
Hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề làm sao để sáng tạo hơn và làm sao để đưa ra được những giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề, tối ưu hóa hệ thống, hoặc lâu lâu tạo ra một sản phẩm, chương trình hay quy trình hoàn toàn mới. Nhờ vào đổi mới mà chúng ta mới có những thứ như bóng đèn, dây quang và mũ bia, thứ này có thể nhiều người chưa nhìn thấy bao giờ nhưng nó hay lắm, nó giúp bạn giữ bia uống mà không cần dùng tay. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về việc làm thế nào người ta lại sáng tạo được những thứ tuyệt vời nhất quả đất kể từ khi người Mỹ sáng chế ra máy cắt lát bánh mì) (since sliced bread – một câu thành ngữ thật ngây ngô của người Mỹ). Ý tôi là bánh mỳ thì tuyệt vời rồi nhưng chả phải thiên tài cũng thấy cần phải cắt nó ra rồi mới cho vào miệng.
Nào bây giờ thì tại sao bạn nên quan tâm tới đổi mới? Bởi vì đó là cách tốt nhất để bạn không buồn chán. Nếu bạn không thử cái mới, mỗi ngày bạn đều lặp lại những việc như nhau. Đi làm, gõ máy tính, ăn trưa, gõ máy tính, về nhà, xem TV, tự ru ngủ, rồi lại lặp lại. Đó không phải là cuộc sống chúng ta muốn. Thế nên đổi mới không chỉ là một chiến lược kinh doanh, đổi mới là điểm lõi làm cuộc sống của chúng ta có giá trị. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất có thể giúp chúng ta gắn kết và nhiệt tình với cuộc sống của chính mình.
Việc ấy không khó đâu. Nếu sau buổi hôm nay bạn không thu nhận được gì thì chỉ cần nhớ là – đổi mới không hề khó. Đôi lúc chúng ta tự làm cho nó có vẻ khó. Nếu bạn từng nghe ai đó nói về chủ đề này bạn có thể sẽ nghe theo kiểu thế này “Những việc bạn đang làm hiện nay rồi sẽ trở thành lạc hậu. Thế giới đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Nếu bạn không tìm ra những thay đổi toàn diện mang tính cách mạng trong vòng 18 giây tới, công ty của bạn sẽ bị tuột dốc và bị xóa sổ ngay. Cám ơn đã tới nghe tôi thuyết trình. Các bạn hãy mua sách của tôi.”
Tôi đã nghe rất nhiều người nói về đổi mới theo cách đó nhưng nó chẳng hữu dụng đâu. Nghe cũng sợ đấy nhưng nỗi sợ hãi chỉ khiến ta làm được hai việc: một là tiếp tục chiến đấu hai là đầu hàng. Chúng ta sẽ cưỡng lại và nói “Tôi không làm thế đâu” hoặc là ta sẽ trốn và đợi cho nó qua đi. Cả hai cách ấy đều không ổn. Đó chỉ là phản ứng thụ động mà chúng ta cần chủ động. Kết thúc bài nói chuyện của tôi bạn sẽ thấy là đổi mới dễ lắm, rằng bạn đều có đủ kỹ năng bạn cần để đổi mới, rằng bạn có thể làm việc ấy bất cứ lúc nào với bất cứ thứ gì bạn muốn, tùy bạn thích thay đổi ít hay nhiều thôi. Đổi mới không phải việc chỉ dành riêng cho một nhóm số ít những thiên tài, nó có sẵn trong ADN của ta, là một phần của mỗi chúng ta. Bạn chỉ cần thực hiện ba bước, cả ba bước này đều rất dễ.
Bước một trong quy trình ba bước để đạt hiệu quả bất ngờ là: hãy hỏi một câu hỏi. Mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ một câu hỏi. Câu hỏi đó sẽ giúp đạt một trong hai mục đích: có thể hỏi sẽ giúp tìm ra giải pháp giải quyết một vấn đề hoặc hỏi có thể giúp khai phá ra một cơ hội tiềm năng. Bạn không cần quan tâm việc bạn hỏi sẽ tiếp cận vấn đề theo cách nào đâu. Chỉ cần hỏi thôi. Nếu không hỏi thì không thể có đổi mới.
Để tôi ví dụ cho bạn nhé. Chắc là ai cũng quen với vali kéo rồi, vì các bạn phải dùng nó để tới tham gia hội nghị MDRT này mà. Khi ta sử dụng sản phẩm sáng tạo này trên đường tới hội thảo, tất cả chúng ta đều phải cám ơn Robert Plath - một cựu phi công hàng Northwest Airline, người đã tạo ra chiếc Rollaboard đầu tiên tại gara nhà mình năm 1987. [hình ảnh] Trước khi chúng ta đi sâu vào đổi mới cho tôi nói thêm là thật đáng ngạc nhiên chúng ta không có ngay vali kéo cho tới tận cuối những năm 80 của thế kỷ 20. Ý tôi là khi nhìn vào lịch sử các sáng chế chúng ta có radio (những năm 90 của thế kỷ 19), TV (1920s), bay vào vũ trụ (1960) … và bánh xe của vali kéo (1980s). Đáng ra phải đổi lại trình tự thời gian mới đúng. Chúng ta đặt bánh xe trên mặt trăng trước khi đặt hành lý. Trước khi có vali kéo, ta đi sân bay với vali cứng cầm tay chán mớ đời và lại đặt nó lên xe đẩy đẩy đi – bánh xe ở đó chứ đâu. Chỉ là không ai nghĩ tới việc cần kết hợp hai thứ ấy với nhau.
Thực ra điều này không chính xác. Kiểu vali hành lý có bánh xe đầu tiên đã có từ năm 1887 nhưng nó không được phát triển vì ở thời đó phương tiện đi lại phổ biến là tàu thủy và kéo một chiếc vali trên một con tàu tròng trành thì cũng không phải là ý tưởng hay lắm. Lần xuất hiện thứ hai của vali có bánh xe là vào năm 1945. Các bạn xem hình đây [hình ảnh] Vali có hai bánh chứ chưa có bốn, tay cầm tương tự như mẫu chúng ta dùng hiện nay và có một tay cầm nữa dưới chỗ bánh xe này. Thế này thì cánh tay ta phải dài tới 1,8m mới với tới nhỉ. Mẫu thứ ba xuất hiện khoảng năm 1970 và nó có dây kéo như dây dắt chó. Loại này sẽ không tự dừng khi ta dừng, hành lý cứ lăn tới khi đâm vào chân ta thì thôi. Mẫu này họ bắt đầu bán ở các cửa hàng nhưng số lượng không nhiều. Chúng ta đều không mua kiểu dây kéo này.
Điểm khác biệt của Rollaboard là gì? Điều gì khiến sản phẩm thành công vượt bậc hơn ba mẫu sản phẩm cũ kia? Tại sao Rollaboard được ưa chuộng mà ba sản phẩm kia không thu hút sự chú ý? Không phải là do bánh xe rồi vì tất cả đều có gắn bánh xe và chúng ta đã biết cách gắn bánh xe vào nhiều công cụ để chở đồ từ thời kỳ đồ đá cơ. Thế nên bánh xe không phải là bước đổi mới đặc biệt. Chính là tay cầm các bạn ạ. Chính là tay cầm có thể kéo ra kéo vào giúp bạn có thể dắt hành lý đi lại vòng quanh một cách thoải mái. Đó cũng chính là câu hỏi mà Robert Plath tự hỏi bản thân mình Có cách nào để thiết kế ra vali gắn bánh xe mà lại thuận tiện kéo đi kéo lại không nhỉ? Câu hỏi đó chẳng có gì là thiên tài. Tôi không có ý chê bôi Robert hay sản phẩm Rollaboard. Nhưng bất kỳ ai trong số các bạn cũng có thể hỏi câu hỏi đó. Nó chẳng có gì là cao siêu cả.
Việc đặt câu hỏi đó hoàn toàn đúng đối với tất cả các đổi mới: iTunes – Ta có thể tạo ra cách tải nhạc hợp pháp không? Miếng lót tay ngoài cốc café – Có cách nào để uống café bằng cốc giấy mà không bị bỏng tay không? Kế hoạch Marshall – Làm sao chúng ta tránh lặp lại lỗi của Hiệp định Versailles và ngăn chặn khả năng xảy ra Chiến tranh Thế giới III? Truyền hình thực tế - Bạn có nghĩ là mọi người thích trêu chọc kẻ ngốc ở đám đông không? Các bạn cứ tin tôi đi, nếu những câu hỏi trên đều có kết quả thì câu hỏi của bạn cũng sẽ có thôi.
Hãy đặt câu hỏi. Đó là tất cả những gì bạn cần bắt đầu làm. Nếu như vì bất cứ lý do nào đó mà bạn chưa thể nghĩ ra câu hỏi cần trả lời, tôi gợi ý cho bạn 11 câu hỏi ngay đây. Có thể không phải toàn bộ những câu hỏi ấy phù hợp với bạn nhưng tôi đảm bảo là đa số các câu hỏi sẽ phù hợp.
Các câu hỏi giúp bạn khởi động:
- Bạn thấy điều gì hay mà đối thủ của chúng ta đang làm và ta có thể bắt chước?
- Nếu như công việc chính của ta tự nhiên không đem lại doanh thu, ta cần làm thêm gì để tạo ra doanh thu?
- Khách hàng của ta chưa hài lòng ở điểm nào và ta có thể làm gì họ hài lòng?
- Có ý tưởng nào trước đây ta từng thử làm và bây giờ lại nên thử áp dụng lại không?
- Làm sao chúng ta có thể giữ chân nhân viên?
- Chúng ta làm thế nào để công ty mình trở nên hấp dẫn đối với các ứng viên có tài, những người có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp?
- Việc nào hàng ngày đều làm bạn bị chậm lại và làm sao để thay đổi nó?
- Việc gì bạn ước công ty đã làm nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện?
- Nếu bạn được cấp một khoản ngân sách lớn tùy ý sử dụng, bạn sẽ dùng nó thế nào?
- Hiện tại, kỹ năng nào bạn chưa có nhưng lại có thể giúp bạn thăng tiến trong công việc?
Và câu hỏi cuối cùng mà lúc nào cũng đúng với mỗi người chúng ta, đó là:
- Tại sao chúng ta lại làm việc đó theo cách này? Còn cách nào tốt hơn cách này không?
Tôi lại nói lại là không có câu hỏi nào trong số các câu trên là khó. Ai trong số chúng ta cũng có thể nghĩ ra và tôi chắc chắn rằng bạn có những câu hỏi mà tôi chưa nghĩ tới. Điều đó có nghĩa là bạn đang đổi mới ngay lúc này đấy và bạn sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi các câu hỏi liên tiếp nảy ra trong đầu bạn.
Đấy là bước đầu tiên – hãy đặt một câu hỏi. Bước hai, ta sẽ nghĩ câu trả lời cho câu hỏi đó, dĩ nhiên rồi. Khi bạn đặt một câu hỏi, bạn cần câu trả lời, đó là điều dễ nhất quả đất. Nhưng đây cũng là điểm mấu chốt ta thường bị mắc kẹt; đây là lúc đổi mới và sáng tạo thường bị tắc lại không phải vì chúng ta không nghĩ được đâu vì ai trong chúng ta mà chẳng nghĩ. Đó là bởi vì chúng ta chọn không theo đổi mới.
Tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy tại sao. Tôi muốn các bạn lấy điện thoại hoặc laptop hoặc máy tính bảng của mình ra – gì cũng được các bạn hãy lấy một thiết bị nào đó vì tôi muốn bạn sử dụng nó. Để làm việc, kiểm tra email, lướt Facebook, xem video, chơi game, gì cũng được – cứ dùng thiết bị thôi. Tôi sẽ tiếp tục thuyết trình nhưng tôi thực lòng thực sự đề nghị các bạn hãy dùng điện thoại của mình khi tôi đang nói. Tôi biết chưa có diễn giả nào yêu cầu các bạn làm việc này khi đang nghe thuyết trình nhưng tôi lại làm thế đấy vì ta sẽ xem các bạn sử dụng thiết bị giỏi thế nào nào. Việc này sẽ mất 90 giây vì vậy hãy chọn việc nào bạn có thể làm trong 90 giây. Các bạn xong chưa ạ. Chúng ta bắt đầu nhé.
Đại hiến chương Magna Carta được ký năm 1215 và được coi là tài liệu pháp lý đầu tiên thiết lập quyền tự do cá nhân mặc dù một số tài liệu cho rằng thông tin này không hoàn toàn chính xác. Đây là hình của một chú gấu trúc [hình ảnh] Núm ti giả đã xuất hiện hàng thế kỷ trước và từng được làm bằng nhiều chất liệu như ngà voi, xương, san hô, bạc – thế nên mới có cụm thành ngữ là “born with a silver spoon” (dịch nghĩa sướng từ trong trứng sướng ra) – và cả bằng cao su trắng, thứ này có chì – không tốt cho em bé khi ngậm trong miệng [hình ảnh]. Khi tôi 15 tuổi, tôi bị gãy chân phải và cổ tay trái trong một tai nạn xe máy. Tôi định đùa các bạn là tôi đã nhảy từ trên hẻm núi xuống hoặc là chạy xe trốn cảnh sát nhưng thôi nói gần nói xa chẳng qua nói thật là tôi bị ngã xe. Thế là tôi không đi dự chương trình Ngày trở về ở trường cấp 3 (homecoming) và làm bạn gái tôi giận tôi. À mà nhân tiện đây các bạn có tin là một anh chàng như tôi mà cũng có bạn gái không? [hình ảnh] Đây là tôi lúc 15 tuổi. Nghiêm túc mà nói thì ai cũng có thể hẹn hò. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Abraham Lincoln đã từng là tay vật gần như chưa từng thất bại ở thời của ông ấy – hoàn toàn là sự thật đấy. [visual] Tên ban đầu của Sony là Tokyo Tsushin Kogyu KK – thật đấy, đúng là không dễ đọc. [hình ảnh] Nước dưa chua có thể giúp giã rượu tequila. Nếu bạn không tin tôi thì cứ thử xem. Tôi biết là nghe hơi thô nhưng thực sự là nó giúp giải rượu. [hình ảnh] Nếu bạn cảm thấy khó chịu nếu nghĩ đến việc uống nước dưa chua thì đây là con lười [hình ảnh]. Con vật đáng yêu nhất trên đời, tôi cũng muốn trở thành con lười.
OK, tôi nghĩ thế là đủ rồi. Làm ơn hãy cất thiết bị của bạn đi. Tôi sẽ hỏi các bạn vài câu hỏi. Bạn có cảm thấy mình hoàn toàn tập trung vào những gì tôi vừa nói không? Bạn có cảm thấy bạn hoàn toàn tập trung vào việc bạn đang làm trên điện thoại của mình không? Bạn thấy bạn làm cả hai việc một lúc đều ổn chứ?
Đó chính là lí do tại sao hầu hết chúng ta nghĩ đổi mới lại khó làm. Không phải bởi vì chúng ta không đủ thông minh để nghĩ ra những ý tưởng hay. Chúng ta đều thông minh cả. Mà bởi vì chúng ta lừa dối bản thân mình. Tất cả chúng ta đều nghĩ chúng ta là các bậc thầy làm việc đa năng, rằng ta có thể làm hai, ba thậm chí năm việc một lúc, tất cả chúng ta đều đang lừa dối bản thân mình. Khi bạn đang làm việc gì đó và bị gián đoạn, bạn dừng việc thứ nhất lại, tập trung vào việc thứ hai và lại quay lại việc thứ nhất – bạn có làm hai việc một lúc đâu. Chỉ có trường hợp ngoại lệ duy nhất – thời điểm duy nhất chúng ta có thể làm hai việc một lúc – đó là khi cả hai việc đó chỉ hầu như không cần tư duy và bộ não chúng ta có thể tự động chạy, ví dụ như một số động tác thể dục, lái xe, đi bộ một quãng dài và đi tắm. Trong những khoảng thời gian đó, chúng ta sử dụng một phần bộ não gọi là vùng vỏ não trước, bộ phận chủ yếu dùng để chỉ huy khả năng đối phó với thế giới bên ngoài vì thế chúng ta không giật mình bởi ngoại cảnh khi chúng ta đang bận gì đó. Đây là bộ phận của bộ não giúp bạn đi lại trên đường trong khi vẫn mơ màng với những việc khác và – tôi biết là các bạn đã từng cảm thấy – khi bạn giật mình nhận ra bạn vừa lái xe sáu dặm mà chẳng ý thức được việc ấy. Đó là phần não bộ dẫn tâm trí bạn phiêu du khi bạn đang tắm và rồi bạn ra khỏi trạng thái ấy, đôi lúc bạn tự hỏi bản thân Mình đã dùng dầu gội chưa nhỉ? Phần não này điều khiển bạn nhắn tin trên điện thoại mà không nhìn vào màn hình điện thoại. Đây là cũng là lí do sinh họckhiến việc nhắn tin khi lái xe là rất nguy hiểm, vì việc ấy tắt cơ chếứng phó tự động của não.
Điều đó có nghĩa là khi bạn muốn tăng tốc, bạn phải chậm lại. Tôi biết là việc ấy nghe có vẻ đối lập nhưng thực tế lại đúng đấy. Các sáng kiến sẽ tự nảy ra tại thời điểm bạn chẳng làm gì hoặc trong lúc đang tranh cãi với người khác, đầu bạn sẽ lóe lên ý tưởng, như những ý tưởng mà các bạn đã có ở MDRT ấy, đó chính là lý do ra đời của Hội nghị Thường niên.
Thế là bước một: đặt một câu hỏi. Bước hai: nghĩ câu trả lời. Và bước ba: hãy thực hiện bất cứ việc gì bạn có thể nghĩ được. Thế đấy. Rất đơn giản, nói ra thì hơi ngượng nhưng tất cả chỉ có thế. Đây là phần chúng ta đều không khỏi ngạc nhiên. Tất cả chúng ta đều có thể làm việc hướng tới mục tiêu khi chúng ta đã xác định được mục tiêu ấy. Ở khía cạnh này, sẽ không có sự khác biệt giữa việc bạn phải làm khi “làm việc thông thường” và việc bạn phải làm khi “theo đuổi giải pháp sáng tạo”. Cả hai mục tiêu đều yêu cầu như nhau. Công việc bạn làm có thể khác nhau nhưng quy trình làm việc thì giống hệt nhau. Bạn vẫn làm thế suốt đấy thôi.
Bạn sẽ không ngừng đổi mới ở nhà, trong cuộc sống gia đình, trong hôn nhân. Khi xảy ra vấn đề hoặc cơ hội mở ra: “Làm thế nào để dành dụm đủ tiền để nghỉ hưu?” “Chúng ta có nên chuyển nhà để anh có thể nhận việc mới đó không?” Bạn có những câu hỏi đó, bạn nghĩ giải pháp và bạn thực hiện những giải pháp đó. Đó chính là đổi mới. Bạn đổi mới hàng ngày đấy. Trong công việc cũng vậy. Thực tế là thứ duy nhất ngăn bạn không đưa ra ý tưởng tuyệt vời tiếp theo – bởi vì tôi biết các bạn có câu hỏi và tôi biết các bạn hiểu phải làm thế nào – thứ duy nhất ngăn cản các bạn tới bước chuyển biến mới là liệu bạn có chịu dành thời gian tư duy xem cần phải làm gì không. Hãy hỏi, tư duy, hành động và lặp lại chu trình. Tất cả chỉ có vậy. Ai trong số chúng ta cũng có thể làm được.
Hỏi. Tư duy. Hành động. Lặp lại. Tất cả chỉ có vậy. Ai mà biết được có khi bước đổi mới tiếp theo của bạn sẽ liên quan đến cá nhân chứ không phải nghề nghiệp. Tôi học trường cao đẳng để trở thành giáo viên trung học môn tiếng Anh, tôi định theo nghề ấy suốt đời đấy. Nhưng trong trường hợp của tôi, suốt đời dài có hai năm. Năm 24 tuổi, tôi bỏ nghề giáo và phải tự trả lời câu hỏi mà nhiều bạn ở đây đã phải trả lời: Bây giờ thì mình làm gì tiếp nào? Trong hai năm sau đó, tôi đã không tìm được câu trả lời nhưng tôi cần tiền nên tôi làm việc ở những nơi người ta trả tôi lương. Tôi viết báo tự do, dạy kèm tiếng Anh cho trẻ em, cả toán và tiếng Latin nữa. Tôi cũng dùng 14 tháng trong suốt đời mình, cứ cuối tuần là mặc bộ quần áo con gà và đi đánh trống trên khắp các con phố ở Nashville. Chính là tôi đấy – tôi không hề nói quá lên đâu. [hình ảnh] Sau đó tôi quyết định thử diễn hài trên phố và cuối cùng cũng kiếm được tiền từ việc ấy. Có lúc mọi việc diễn ra như vậy đấy – viết bài tự do, gia sư, diễn hài, làm gà đánh trống. Đó là những năm giữa tuổi đôi mươi của tôi.
Rồi chỉ khoảng một thập kỷ trước, tôi tham dự một hội nghị của một công ty để thử tìm vị trí giải trí trong công ty đó. Đó là lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp tận nơi một diễn giả kinh doanh. Sau đó, tôi tự hỏi bản thân câu hỏi này Tôi có thể kết hợp yếu tố giải trí trong hài kịch vào việc đào tạo các nguyên tắc kinh doanh chủ đạo trong công ty không? Để trả lời câu hỏi đó tôi đưa ra hàng loại câu trả lời và tôi đưa ra nhiều chủ đề khác nhau. Giờ thì tôi có thể đứng đây và thuyết trình về việc phải sáng tạo và đổi mới ra sao. Nếu bạn quên mất, tôi xin nhắc tôi từng mặc quần áo gà và đánh trống trên phố. Tôi không có hồ sơ kiểu điển hình của một diễn giả, cũng không xuất hiện với hình ảnh một người trông như làm gì cũng được.
Các bạn sẽ không biết ý tưởng sẽ đưa ta tới đâu đâu. Tôi dĩ nhiên cũng không biết được. Tôi còn lâu mới nghĩ rằng tôi sẽ đứng trước các bạn và thuyết trình như tôi đang làm. Những cũng bởi tôi không đoán trước được nên tôi hiểu điều này: chỉ cần bạn tiếp tục tư duy, chỉ cần bạn tiếp tục đặt câu hỏi và thôi thúc bản thân mình hành động sau khi đã cho bản thân thời gian tìm câu trả lời, tương lai của bạn sẽ tràn đầy những điều bất ngờ thú vị, những thứ bạn chưa từng mơ tới lúc này, những điều có thể thay đổi cuộc sống của bạn, sự nghiệp của bạn và theo nhiều cách là thay đổi cả thế giới.

Jeff Havens, tốt nghiệp với học bổng danh dự về nghệ thuật và khoa học Phi Beta Kappa của trường đại học Vanderbilt, tin tưởng mãnh liệt rằng để tạo niềm vui trong học tập là cách nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất để tạo ra văn hóa học tập mà con người say mê không ngừng tiến bộ. Havens thực sự có khả năng hiếm có diễn thuyết về giáo dục chất lượng cao một cách hóm hỉnh thú vị. Cách thuyết trình thu hút giúp ông có rất nhiều khách hàng trung thành, những người đánh giá cao tâm huyết của ông với ngành giáo dục, khẳng định giáo dục là cách duy nhất để chúng ta tiến bộ và tất cả chúng ta đều sẽ tiến bộ nhanh hơn và xa hơn nếu ta biết tận hưởng học tập. Thông qua cách kết hợp nội dung thuyết trình theo lối truyền thống và tính giải trí của các sô diễn hài kịch, Jeff thu hút được nhiều khán giả nhiệt tình từ khối ngành chính phủ, giáo dục, các doanh nghiệp nhỏ và nhiều công ty trong danh sách Fortune 50. Jeff là thành viên trẻ tuổi nhất trong diễn đàn diễn giả chuyên nghiệp.