
Plewes: Các anh ứng dụng công nghệ trong công việc như thế nào?
Skelly: Ryan, anh sử dụng công nghệ trong công việc rất thường xuyên phải không?
Pinney: Đúng vậy, công việc của chúng tôi chủ yếu dùng công nghệ. Chúng tôi làm hầu hết mọi thứ online nên hơn cả năm rồi chúng tôi không gặp trực tiếp một khách hàng nào cả. Mọi việc hầu như đều được thực hiện qua điện thoại hoặc website.
Plewes: Thật ư? Anh không gặp khách hàng? Vậy làm thế nào anh gia nhập Top of the Table được?
Pinney: Tôi chỉ làm đi làm lại một quy trình và ngày một cải thiện để đạt hiệu quả cao hơn.
Plewes: Vậy đó là quy trình gì? Tôi đang rất nóng lòng muốn biết bởi vì chúng tôi dành rất nhiều thời gian để gặp khách hàng; hoàn toàn ngược lại với điều anh vừa nói. Tôi rất tò mò muốn biết anh đã làm thế nào.
Pinney: Chúng tôi chủ yếu tìm khách hàng tiềm năng trên mạng, thế nên hầu hết các khách hàng chúng tôi liên hệ đều từ nền tảng số hoặc online. Trong vòng 15 năm qua, chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để tạo ra một quy trình hoạt động hiệu quả. Cách tiếp cận của chúng tôi là phải tiêu chuẩn hóa các quy trình của mình, sau đó là hệ thống hóa chúng – nói nôm na là xem xét công việc nào có thể dùng checklist hoặc áp dụng một quy trình quen thuộc mà bất kỳ nhân viên nào cũng có thể làm được. Và vài năm gần đây thì chúng tôi đã tự động hóa được khá nhiều quy trình—có thể tận dụng các công cụ như hệ thống Quản lý khách hàng (CRM), quy luật phân loại email và chúng tôi cố gắng tìm cách để hệ thống hóa mọi thứ mình làm thành một quy trình khá ổn định ngay trước khi chúng tôi bắt đầu bàn công việc với khách hàng.
Plewes: Những quy luật và cách phân loại email đó là gì? Nó hoạt động như thế nào?
Pinney: Cũng như các nhà tư vấn tài chính khác, mỗi ngày tôi nhận đến hàng trăm email. Nếu như tôi phải đọc qua hết toàn bộ từng email thì đúng là thử thách không nhỏ. Nếu ở vị trí của tôi thì mỗi ngày các anh sẽ nhận được rất nhiều email từ nhân viên, công ty bảo hiểm hoặc các văn phòng, vân vân. Tôi sẽ quyết định email nào cần giải quyết vào lúc nào, sau đó tôi sẽ cài đặt hộp thư đến để nó tự động lọc và phân loại email. Ví dụ, email từ nhóm MDRT sẽ được phân vào một thư mục để tôi đọc vào mỗi thứ sáu. Tôi cũng dành riêng một thư mục cho các công ty bảo hiểm và sẽ đọc thư vào mỗi sáng thứ hai. Còn những email của nhân viên gửi thì tôi thường đọc vào buổi sáng và buổi chiều. Tuy nhiên, tôi vẫn cố hạn chế sử dụng email ở văn phòng quá thường xuyên mà thay vào đó là nhắn tin. Tôi thấy cách này hiệu quả và tiết kiệm hơn. Nhờ đó mà tôi có thể quản lý thời gian của mình tốt hơn và đảm bảo mình làm đúng điều cần làm. Tôi không bao giờ để email chiếm hết cả ngày của mình, thay vào đó tôi sử dụng thời gian trong ngày của mình theo cách tôi muốn và sử dụng email như một công cụ đúng với mục đích ban đầu của nó.
Plewes: Thật đúng là không bõ công khi đến đây. Cảm ơn anh! Còn anh thì sao Ed?
Skelly: Tôi cũng nghĩ giống như Ryan vậy, nhưng cũng có đôi chút khác biệt ở chỗ chúng tôi xem dịch vụ là một cách bán hàng mới. Ý tôi là chúng tôi cũng dùng các phương pháp truyền thống như gửi bưu kiện, email, gọi điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp nhưng chúng tôi sử dụng các công cụ họp mặt ảo thường xuyên hơn như GoToMeeting, Skype hoặc FaceTime để giảm bớt thời gian đi lại. Cũng giống như Ryan, chúng tôi cũng dùng các quy trình họp. Vì thế chúng tôi có thể làm trước nhiều thứ-như lên kế hoạch, chúng tôi có thể giải quyết công việc trong phòng họp qua chiếc tivi màn hình 50 inch, hoặc làm việc bằng các công cụ ảo. Như anh đã biết khi sống ở ngoại ô DC ta mất đến nửa ngày để di chuyển, tuy nhiên với các cuộc họp ảo hiện tại, mỗi ngày chúng tôi có thể thực hiện ba đến năm cuộc họp. Vì thế chúng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn để quan tâm đến khách hàng hơn. Chúng tôi sử dụng một khái niệm gọi là "chốt lịch," chúng tôi sẽ chốt sẵn bốn đến năm tuần mỗi quý và cam kết dùng thời gian đó để tập trung giải quyết công việc cho khách hàng. Tôi có thể xử lý được 40 đến 60 cuộc họp mỗi tháng, và sau đó dành thời gian rảnh để tập trung vào công việc—hoặc cho bản thân mình.
Plewes: Cho phép tôi cắt ngang một chút. Tôi muốn hỏi rõ hơn về việc chốt lịch. Anh có sử dụng hệ thống dữ liệu nào để quản lý việc đó không?
Skelly: Câu hỏi rất hay. Chúng tôi dùng một công cụ lên kế hoạch online, đây là một trong những công nghệ được chúng tôi tận dụng nhiều nhất trong văn phòng. Và phải nói luôn là nó rất rẻ! Nhờ nó mà nhân viên có nhiều thời gian rảnh để chăm lo cho khách hàng hơn. Giờ chúng tôi không phải cuống lên vì các cuộc gọi nhỡ, không phải lo không gọi điện hẹn được khách, phải xếp lịch lại hoặc hủy lịch họp. Chúng tôi chỉ cần gửi một đường link cho khách hàng. Chúng tôi có từng đường link cho mỗi mục đích khác nhau như thiết lập cuộc gọi 30 phút, cuộc họp 1 tiếng hoặc một buổi thuyết trình một tiếng rưỡi. Tùy vào từng trường hợp, chúng tôi chọn một đường link phù hợp. Sau khi đường link được gửi về thì nó tự động được cập nhật vào lịch làm việc trong Outlook của tôi. Chúng tôi chỉ cần kiểm tra lịch Outlook nên nhân viên không phải vất vả xếp lịch cho mọi thứ cần làm. Khi công việc đã được lên lịch, chúng tôi sẽ có một quy trình để chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết trước. Đó chính là thứ mang tính quyết định trong việc tự động hóa các cuộc họp với khách hàng.
Plewes: Wow. Thật không thể tin được. Những gì các anh làm thật đúng là tuyệt vời!
Skelly: Còn anh sử dụng công nghệ như thế nào, Steve?
Plewes: Thật bất ngờ ở chỗ tôi cũng không khác các anh mấy. Tôi chẳng rành công nghệ nhưng tôi nhận ra rằng mình không cần phải biết quá nhiều về nó, tôi chỉ cần biết mình muốn làm gì thôi. Nói một cách nôm na thế này, tôi tạo một mảng kinh doanh không có văn phòng cố định. Bởi vì ở tuổi này tôi chỉ muốn công việc của mình có thể gắn liền với cuộc sống hàng ngày, chứ không phải ngược lại. Thế nên tôi tận dụng công nghệ để có thể thuê ngoài và phân chia công việc. Thú thật thì tôi cũng chẳng dùng đến văn phòng nữa. Tôi sống ở Floria nửa năm còn nửa năm sống ở Maryland, và chúng tôi vẫn có thể gian để đi đây đi đó. Một hôm tôi chợt nhận ra rằng 65% khách hàng của tôi sống ở cách xa văn phòng tôi đến hơn 3 tiếng đồng hồ lái xe. Và ở văn phòng thì tôi phải tạo dựng cơ sở vật chất, thuê nhân sự, lưu trữ hồ sơ và những thứ đại loại vậy mà tôi ít khi nào dùng đến. Chúng tôi có một văn phòng đẹp nhưng khách hàng ít khi lui tới. Thế nên tôi nhận ra rằng mình phải đến gặp khách hàng thường xuyên hơn. Tôi có thể tranh thủ lúc khách hàng đến thăm họ hàng của họ để hẹn gặp, nhưng đa số là tôi dùng các hệ thống họp ảo như các anh, đó là GoToMetting. Tôi nhận ra rằng nhờ hệ thống này mà tôi chẳng cần đến văn phòng làm gì nữa. Và khi khách hàng đã ít lui tới thì các phần mềm tôi dùng đều là công cụ online, thế nên cũng chẳng cần phải đầu tư hệ thống máy chủ nữa! Lúc đó tôi bắt đầu nghĩ: Mình không cần máy chủ, mình không cần văn phòng và mình cũng không cần người quản lý văn phòng. Thế là đột nhiên tôi nhận ra mình có thể tự do thoải mái và đi đến nơi nào mình cần để hẹn gặp khách hàng. Nhờ thế ở độ tuổi này chúng tôi có nhiều thời gian hơn, và tôi cũng thấy khách hàng của mình cũng quen với việc này nữa. Hiện tại, thời gian tôi dành cho khách hàng của mình rất chất lượng vì tôi gặp họ trực tiếp tại nhà riêng ở Arizona hay Illinois hoặc bất cứ đâu. Ở Floria, chúng tôi cũng sử dụng thời gian với khách hàng hiệu quả hơn và làm được những việc mà chúng tôi từng không thể nào làm với một cuộc hẹn một tiếng rưỡi trong văn phòng. Đó chính là cách tôi sử dụng công nghệ.
Pinney: Tôi cảm thấy thật thú vị khi tất cả chúng ta đều dùng những công nghệ tương tự nhau nhưng theo những cách khác nhau. Tôi xuất thân từ dân kỹ thuật mà, tôi từng làm trong mảng đó trước khi chuyển sang bảo hiểm. Tuy nhiên, không có ai trong số các anh là chuyên gia hay dân sành công nghệ cả, vậy làm thế nào mà anh quản lý được cơ sở hạ tầng của mình? Anh đã làm thế nào vậy Steve?
Plewes: Vâng, anh nói rất chính xác, như tôi đã đề cập trước đó—tôi không phải là chuyên gia về công nghệ! Hoàn toàn không! Nhưng tôi thấy thật ngạc nhiên bởi vì rất nhiều người biết tôi dùng công nghệ như thế nào. Từ nào giờ tôi vẫn luôn biết rằng công nghệ không phải là thế mạnh của tôi. Thế nên tôi nghĩ nếu tôi phải sử dụng công nghệ, tôi sẽ phải thuê một ai đó biết về công nghệ. “Dân công nghệ” ấy mà—kiểu mấy gã quái quái ấy, nhưng phải cảm ơn trời nếu không có họ thì không biết thế giới sẽ ra sao? Quay trở lại câu chuyện của tôi, nếu tôi không biết cách làm một thứ gì đó thì tốt hơn hết là giao nó lại cho người khác làm. Nhờ thế tôi sẽ có thời gian để tập trung vào sở trường của mình, đó là xây dựng các mối quan hệ, mang lại giá trị cho công ty, tư vấn định hướng chiến lược cho khách hàng và công ty. Nhờ nó mà tôi có thể thắt chặt các mối quan hệ. Một điều mà tôi luôn muốn nói đó là công nghệ không phải lúc nào cũng rẻ nhưng đó là khoản đầu tư quan trọng bởi vì nhờ nó mà bạn có thêm thời gian rảnh để làm công việc sở trường của mình. Đó là kinh nghiệm tôi rút ra được.
Skelly: Ryan này, tôi nghĩ với sự lớn mạnh của Internet chúng ta không cần phải trở thành “dân công nghệ” như Steve nói. Với phần mềm trên nền đám mây như hiện tại, chúng ta đã không dùng đến máy chủ trong suốt 14 năm qua rồi. Chúng ta cũng không cần phải giỏi về công nghệ ở góc độ chuyên môn bởi vì việc đó đã được những công ty ta thuê ngoài lo rồi. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không cần phải duy trì hệ thống phần cứng, còn phần mềm thì mang tính cảm tính thôi. Thậm chí bây giờ đặt server trong văn phòng đôi khi lại là gánh nặng đấy, về mặt an ninh. Với đầy rẫy những hacker ngày nay, văn phòng của ta có thể gặp phải những lỗ hổng về an ninh, dẫn đến các mã độc tống tiền tấn công. Gần đây tôi có nghe vụ một công ty địa phương chuyên về hệ thống điều hòa không khí bị tống tiền Bitcoin hồi giữa hè năm ngoái. Tôi nghĩ hầu hết công nghệ mà ta hay sử dụng hiện nay đều theo hướng thân thiện với người dùng chứ không nặng về kỹ thuật bên trong nữa.
Pinney: Đúng vậy, mặc dù chúng tôi sử dụng công nghệ rất nhiều trong công việc, nhưng thực ra chỉ có ba cách để làm vậy, đó là: thuê hẳn một người biết về công nghệ hoặc chuyên gia; hợp tác với một người có khả năng sử dụng công nghệ hoặc thuê ngoài. Nghe có vẻ như anh chọn phương án thuê ngoài. Chúng tôi đã thuê ngoài rất nhiều công nghệ, đặc biệt là khi dùng hệ thống quản lý khách hàng và dữ liệu hoặc làm các công việc như chia sẻ màn hình làm việc hoặc tài liệu hoặc các công cụ sử dụng điện. Cũng giống như anh, chúng tôi chủ yếu dựa vào bên thứ ba. Tôi nghĩ điều quan trọng mình cần nhớ đó là—ta không cần phải là chuyên gia. Lúc nào ta cũng có thể thuê một ai đó biết làm một việc gì đó mà ta không biết, đặc biệt là trong thế giới ngày nay. Lúc nào cũng có thể tìm kiếm bằng Google hay một cách nào khác.
Skelly: Hơn nữa, chi phí triển khai công việc đã giảm đáng kể, có những thứ có thể mất hàng trăm, hàng nghìn hoặc hàng trăm nghìn USD nhiều năm trước để làm thì ngày nay anh chỉ tốn một khoảng chi phí vừa phải. Thế nên chi phí nhập ngành ban đầu ngày nay đã giảm rất nhiều rồi.
Pinney: Chính xác! Chúng tôi đã phải tự xây dựng hệ thống quản lý khách hàng và khách hàng tiềm năng đầu tiên cho mình. Lúc đó chúng tôi chi hết 250.000 USD, còn bây giờ thì tầm 10USD/tháng thôi. Tôi ước gì lúc đó mình có mọi thứ như bây giờ. Đó là một trong những điều cần phải lưu ý, bởi vì có rất nhiều trường hợp, đặc biệt là trong ngành kinh doanh này, ta luôn có xu hướng phải đi đầu và sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn người khác. Nhưng đi đầu trong việc gì đó không có nghĩa là ta sẽ trở thành người giỏi nhất hay thông minh nhất. Có rất nhiều trường hợp, những người đi sau chúng ta lại có thể làm việc hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn. Tôi học được từ MDRT là khi nhìn ai đó làm việc, tôi lại nghĩ: Ồ, mình nghĩ ra một cách có thể cải thiện nó hoặc áp dụng theo cách của mình. Tôi tin rằng MDRT là một nơi tuyệt vời để chúng ta học hỏi lẫn nhau.
Skelly: Steve, tôi muốn nói ý này. Không biết anh còn nhớ không nhưng 14 năm trước anh và tôi đã thiết lập một hệ thống văn phòng không dùng giấy tờ. Có tin được không—chúng ta đã không dùng đến giấy tờ trong 14 năm qua đấy!
Plewes: Tôi biết, quả là khó tin! Tôi nghĩ nếu như hồi đó không thuê người scan tất cả các loại giấy tờ lại thì bây giờ chúng ta sẽ có hàng núi hồ sơ mất. Sau nhiều năm tích cực số hóa, giờ chúng ta có thể tìm hồ sơ ngay trên iPad, ở bất cứ đâu, bất cứ hồ sơ khách hàng hay loại bảo hiểm nào họ đã mua, bất cứ thứ gì. Thật tuyệt vời—khi các anh nói về những công cụ ai cũng có thể tải về với chi phí thấp thì nghe thật hấp dẫn và ai cũng muốn tải hết các ứng dụng đó về để trải nghiệm công nghệ mới. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm là công nghệ cũng có cái giá khá đắt là hạn chế tương tác. Tôi đã thấy nhiều người bị nghiện công nghệ—họ nghĩ chỉ đơn giản là gửi email cho khách hàng hay đối tác là được rồi. Nó cũng có hiệu quả nhất định. Nhưng tôi vừa đọc một thống kê rất thú vị nói rằng nếu bạn gửi email để xin thông tin của ai đó, thì cơ hội bạn được thông tin bạn muốn sẽ thấp hơn 34 lần khi gọi bằng điện thoại. Thế nên tôi muốn đề cập đến việc này khi ta nói về công nghệ. Mọi người thường rất hứng thú, hào hứng tải mọi ứng dụng mới về nhưng họ lại gặp phải khó khăn trong việc tạo dựng những mối quan hệ sâu sắc hơn.
Skelly: Đúng vậy, công nghệ chỉ có thể là công cụ chứ không thể thay thế hoàn toàn giao tiếp. Nó sẽ là công cụ hỗ trợ ta làm việc và nhắc nhở ta làm việc chứ không dùng để thay thế cho các mối quan hệ.
Plewes: Đúng vậy. Thế nên tôi vẫn thường xuyên nói rằng: Khi công nghệ càng hiện đại thì những tiếp xúc trực tiếp càng trở nên giá trị hơn. Bởi vì thử hỏi có bao giờ bạn online hay gọi điện cho ai đó mà lại vui vẻ khi nhận câu trả lời từ máy tính hay một con robot không? Khi chúng ta nói chuyện với một người bỏ thời gian ra để giúp ta thì ta mới thấy thật sự cảm kích. Đó chính là vị trí của chúng tôi với vai trò là người cố vấn. Chúng tôi sử dụng công nghệ một cách vô cùng hiệu quả và tự động hóa các quy trình (mà chúng tôi có thể thuê ngoài), nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải đảm bảo có thể mang lại giá trị cho khách hàng, bất kể đó là loại sản phẩm kế hoạch hay dịch vụ nào.
Pinney: Tôi nghĩ ý anh vừa nói rất hay, công nghệ nên dùng để thay thế các công việc bị trùng lặp hoặc lặp đi lặp lại, nhưng không nên dùng để thay thế dịch vụ mà chúng ta cung cấp. Trong công việc, chúng tôi có một phương châm gọi là "giặt đi giặt lại"—giống như hướng dẫn trên túi xà phòng giặt. Khi sử dụng các quy trình của mình, chúng tôi nhìn xem mình làm việc như thế nào, công nghệ của mình được tận dụng như thế nào và kết quả ra sao, chúng tôi liên tục điều chỉnh quy trình để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Khi nghĩ về điều anh vừa nói đấy Steve, chúng tôi nhận ra rằng email đang ngày một trở nên kém hiệu quả hơn, điều đó có nghĩa là chúng ta phải thay đổi quy trình. Thế là chúng tôi bắt đầu dùng tin nhắn di động nhiều hơn, cũng giống như email từ khoảng chục năm trước—tỷ lệ phản hồi cao hơn và lại ít tốn kém, một cách rất hay để tạo các mối quan hệ ban đầu, nhắc lịch hẹn cho khách hàng, v.v. Đó là một trong những điều rất dễ bị xem nhẹ nếu như ta không để ý đến các con số, xem xét lại kết quả và liên tục tinh chỉnh quy trình, theo dõi thành công ta đang có. Nếu chúng ta không làm thế, thì chừng vài năm nữa, ta sẽ rơi vào thế bị động ngay, bởi vì người ta không còn đọc email hay phản ứng lại với các quy trình mà ta đã áp dụng một thập kỷ trước. Tôi nghĩ điều quan trọng là không được ngủ quên trên chiến thắng mà phải liên tục xem xét quy trình để đảm bảo rằng những gì ta đang làm vẫn hiệu quả và vẫn mang lại kết quả tốt như từ trước đến giờ. Tức là bạn phải luôn luôn kiểm tra—sử dụng phương pháp lặp đối với phương pháp A đang sử dụng có hiệu quả, nhưng cũng nên thử phương pháp B để xem cách nào tốt hơn. Nói tóm lại là cứ vừa làm vừa điều chỉnh. Một điều chúng tôi nhận ra là nhiều khi phương pháp A đã rất tốt rồi, nhưng khi thay đổi một chút với phương pháp B lại được kết quả thậm chí còn tốt hơn. Ta phải tiến bộ hơn bằng cách luôn luôn đưa thêm những cải thiện nhỏ để cải tiến quy trình hiện thời.
Skelly: Tôi nghĩ chúng ta đều có mặt ở Top of the Table bởi vì chúng ta làm việc ngày một hiệu quả hơn và sử dụng các công cụ để mang lại hiệu suất cao hơn. Có câu "thời gian là tiền bạc"—có nghĩa là càng có nhiều thời gian, ta càng làm được nhiều tiền hơn—giờ có thể đổi thành "hiệu suất nghĩa là phát huy nguồn lực"— hiệu suất càng cao nghĩa là chúng ta sử dụng tài nguyên càng hiệu quả hơn, có thể làm nhiều hơn với ít tài nguyên hơn. Cá nhân tôi không có nhiều nhân viên, tôi luôn tránh phải thuê nhiều nhân viên. Nhưng chính vì biết sử dụng các hệ thống của mình một cách hiệu quả, chúng tôi có thể tạo ra giá trị tương đương như một công ty lớn với nhiều nhân sự. Vì thế một chủ đề quan trọng khác của buổi hôm nay chính là hiệu suất, và hiệu suất có được nhờ việc điều chỉnh quy trình liên tục như Ryan hay là Steve vừa đề cập, bạn phải giữ cho các quy trình và tương tác với những đối tác thuê ngoài luôn tươi mới.
Plewes: Ed, một ý rất hay đấy. Tôi muốn nói về chữ quy trình một chút. Quy trình không phải là từ mới trong kinh doanh. Đến như làm hamburger ở McDonald's cũng còn phải có quy trình cơ mà. Ai cũng có một quy trình— nhiều khi không ghi ra nhưng mà chỉ nằm trong đầu người ta, và điều đó phản ánh rất rõ qua việc kinh doanh của họ. Một trong những điều tôi thích về mảng kinh doanh của anh, Ryan là anh đã tạo ra được một quy trình có thể tự động hóa rất nhiều thứ. Còn Ed thì làm cho dịch vụ của mình có hiệu quả hơn, thật là ấn tượng. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng với dòng chảy công việc và quy trình, nếu chúng ta có thể tự động hóa mọi thứ để giao hẳn những công việc lặp đi lặp lại cho hệ thống làm. Khi đó ở vai trò là chủ doanh nghiệp hay tư vấn, các anh có thể không cần phải kiểm soát nhiều thứ nữa và cứ để quy trình tự hoạt động. Nhờ thế các anh sẽ có được thời gian rảnh để làm việc quan trọng hơn đó là phục vụ khách hàng và tiếp tục xây dựng công ty. Những gì chúng ta thảo luận nãy giờ là tận dụng công nghệ để bỏ qua những công việc quản lý nhỏ nhặt vốn rất phổ biến trong ngành của chúng ta để các anh có thể tập trung vào sở trường của mình, quả là tuyệt vời.
Skelly: Điều đó giải phóng thời gian để bạn tha hồ thỏa sức sáng tạo trong công việc.

Ryan Pinney, là một thành viên của MDRT từ 9 năm qua với 9 lần đạt danh hiệu Top of the Table. Hiện nay ông là Phó chủ tịch của Ban cương lĩnh phát triển Guided Development. Pinney cũng tham gia vào nhiều ủy ban và diễn thuyết tại các hội nghị thường niên và hội nghị Top of the Table. Được biết đến với những sáng chế công nghệ mới mẻ, Pinney đã sử dụng các kinh nghiệm của mình trong marketing online và phương tiện truyền thông để giúp các đại lý xây dựng hình ảnh trên mạng interner và hưởng lợi từ đó.

Steven A. Plewes, CLU, ChFC, chuyên gia tư vấn tài chính/bảo hiểm, CLU, ChFC, có 30 năm tham gia MDRT với 4 lần đạt danh hiệu Court of the Table và 9 lần Top of the Table. Hiện ông đang giữ chức Phó chủ tịch Ban Quản lý nguồn lực của các thành viên. Ông cũng là thành viên sáng lập và chơi guitar chính trong ban nhạc rock Roundabout của MDRT.

Edward C. Skelly, CLU, ChFC, chuyên gia tư vấn tài chính/bảo hiểm, CLU, ChFC, có 24 năm tham gia MDRT với 9 lần đạt danh hiệu Court of the Table và 7 lần Top of the Table. Là người sáng lập của Sterling Financial Partners, ông là một chuyên gia tư vấn thuế, luôn tự hào là đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng với các giải pháp phù hợp về đạo đức nghề nghiệp. Ông có nhiều lần phát biểu tại Hội nghị thường niên và hiện đang làm việc trong Ủy ban Tài chính.