
Bạn muốn phát triển kinh doanh tới mức nào? Bạn muốn phát triển kinh doanh nhanh như thế nào? Bài nói chuyện này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đó.
90% thành công của bạn là nhờ những gì bạn nghe được. Vậy định nghĩa của bạn về thành công là gì? Chẳng phải chúng ta đều có những mong muốn như nhau sao? Chúng ta muốn có đủ tiền, có công việc, có sức khỏe tốt và có một gia đình, cũng có thể là vài chuyến du lịch và thú vui để hưởng thụ. Chúng ta muốn mình quan trọng và đang tạo nên sự khác biệt nào đó cho mọi người. Đó chính là cái hay của thành công, bạn quyết định thành công có ý nghĩa gì với bạn.
Tôi chia thành công thành bảy “giá trị” – Niềm tin, Bạn bè, Gia đình, Tài chính, Sức khỏe, Tự do và Niềm vui.
Hãy chọn ba thứ khiến bạn cảm thấy thành công. Với tôi, thành công thực sự là khi tôi sống 200% thành công của cuộc đời mình - 100% là thành tích bên ngoài và 100% là sự hoàn thiện bên trong. Ngày nay, sự hoàn thiện bên trong là điều hầu hết mọi người đều thiếu. Chúng ta đang sống ở Hoa Kỳ, một đất nước thịnh vượng nhất thế giới, tại thời điểm thịnh vượng nhất trong lịch sử. Số lượng thức ăn, phế liệu, đồ dùng mà chúng ta vứt đi và lãng phí thậm chí còn nhiều hơn những nước khác sử dụng. Ấy vậy mà vẫn còn rất nhiều người không hạnh phúc. Chúng ta giàu có về vật chất nhưng lại nghèo về tinh thần, thậm chí là trống rỗng về tinh thần. Cho nên với tôi, thành công thực sự nghĩa là được hạnh phúc và đạt tới trạng thái giải phóng vĩnh cửu và tận hưởng tối đa cuộc sống, đạt được điều tốt đẹp nhất cho bản thân và cho người khác. Chúng ta nhận ra ở thế hệ này rằng nhiều “của cải” hơn không có nghĩa là thành công hơn. Khi chúng ta không hạnh phúc, chúng ta đã đánh mất điều tinh túy nhất của cuộc sống. Nếu năng lượng, sự sáng tạo, trí thông minh, sự yên bình, tình yêu, niềm vui, hạnh phúc và sự tự do của chúng ta không được phát triển từng ngày thì tức là chúng ta đã đánh mất hướng đi của mình.
Ý thức, nhận thức, suy nghĩ, thái độ và niềm tin tạo ra trải nghiệm thực tế của chúng ta. Nội tâm thể hiện ra trước ngoại thân và việc nâng cao ý thức hay nhận thức của một người sẽ là cơ sở cho mọi thành công. Những kiến thức như thành công là một trạng thái tinh thần, suy nghĩ tạo ra thực tại và cơ chế của luật hấp dẫn về việc những thứ giống nhau thì hút nhau là những khám phá lớn nhất trong lĩnh vực tiềm năng của con người trong 75 năm qua.
Khi viết cuốn sách Thành công là một trạng thái tinh thần (Success is a State of Mind), tôi hiểu được rằng tư duy thành công thực sự tồn tại, đó là quan niệm của người thành công về thế giới, sự thành công và chính bản thân họ. Hóa ra họ có hai niềm tin rất mãnh liệt về thành công. Đầu tiên, họ tin rằng họ có thể thành công.
- Bạn có tin mình có thể tăng gấp đôi thu nhập? Hoặc gấp ba? Gấp bốn?
- Bạn nghĩ phải làm việc vất vả như thế nào để kiếm được số tiền đó?
- Bạn có luôn bận rộn và làm như thể bạn không có đủ thời gian để hoàn thành mọi thứ?
- Nếu bạn cảm thấy không có đủ thời gian thì làm sao bạn tăng thu nhập gấp bốn lần?
- Bạn có nghĩ mình sẽ phải từ bỏ gia đình, sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi hoặc vui chơi của bạn?
Ngày nay, có thể dễ dàng chứng minh mọi thứ đều có thể - bất cứ điều gì. Trong nhiều trường hợp, bạn chỉ cần tìm kiếm trên internet. Thành công để lại dấu hiệu khắp mọi nơi. Bạn chỉ cần bắt chước người đã hoàn thành những gì bạn muốn làm. Bạn có biết ai đã tăng gấp đôi thu nhập của họ trong năm qua không? Câu hỏi bây giờ là, Bạn có thể làm điều đó không? Hay nói cách khác, Bạn có tin mình xứng đáng không? Đây là niềm tin thứ hai sau khi đặt câu hỏi, Bạn có tin thành công là điều có thể?
Không chỉ là suy nghĩ tích cực, câu trả lời cho những câu hỏi trên cho thấy niềm tin cốt lõi bên trong bạn và qua đó là thái độ của bạn, từ đó dẫn tới kết quả của bạn. Bởi vì ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều đắm chìm trong niềm tin của mình. Chúng ta có thể thấy điều này ở người khác nhưng bạn có thể bắt gặp mình tranh luận về những giới hạn của riêng bạn không? Vậy hãy khám phá những niềm tin cốt lõi này.
Lặp lại những cụm từ: “Tôi là nam châm tiền! Tiền tự chảy vào túi tôi một cách dễ dàng.” Hãy để ý đến cảm giác của bạn khi nói điều này. Vậy nhận thức chính là điều mấu chốt ở đây vì thế giới chính là hình ảnh phản chiếu của con người chúng ta. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nếu chúng ta cảm thấy tuyệt vời thì chúng ta luôn ở trạng thái sẵn sàng làm mọi thứ. Cùng một vấn đề nhưng nhận thức khác nhau. Nếu chúng ta đeo kính màu xanh thì mọi thứ ta thấy sẽ có màu xanh. Nếu chúng ta đeo kính tối màu thì ta sẽ nhìn mọi thứ qua bóng tối đó. Điều tôi gợi ý ở đây là nếu bạn không thích những gì bạn đang thấy thì đã đến lúc bạn nên thay đổi quy tắc của mình.
- Bạn có xứng đáng được tăng gấp đôi, gấp ba hoặc gấp bốn những gì bạn đang kiếm được?
- Bạn có thực sự mang lại nhiều giá trị cho thị trường?
- Bạn có tính phí cho giá trị con người mình? Đây có phải là lý do tại sao thu nhập của bạn cao hơn?
Những câu hỏi này dần cho thấy niềm tin cốt lõi của bạn về tiền bạc và công việc. Đó là một phần của lòng tự trọng vì tất cả chúng ta đều có niềm tin cốt lõi về giá trị bản thân nhưng điều này thậm chí còn sâu sắc hơn thế. Ví dụ, tôi đã chứng kiến việc này hàng trăm lần. Tại sao bạn lại kiếm được những gì ban đang làm? Bởi vì những gì bạn đang làm là những gì bạn cho phép bản thân kiếm được ở thời điểm hiện tại. Chính những niềm tin cốt lõi và việc tự giới hạn bản thân đã khiến chúng ta không thể có được thu nhập cao hơn, chẳng hạn như kiến thức, kinh nghiệm hoặc khả năng bán hàng và tiếp thị.
Giàu có là điều bình thường. Một điều mà tôi học được trong hơn 30 năm qua ở lĩnh vực kinh doanh này đó là tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng tiền cho phép bạn khốn khổ ở một nơi tốt hơn.
Chúng ta đều biết rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái tiếp đó được xem không chỉ là một hiện tượng tài chính mà còn là một hiện tượng tâm lý. Cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính này được nuôi dưỡng bởi thứ cảm xúc sợ hãi và sự nghèo nàn về tinh thần, nếu không muốn nói chính hai yếu tố này đã tạo ra khủng hoảng. Đó là một cơ hội tuyệt vời để sắp xếp lại các ưu tiên của chúng ta và sống thực tế hơn. Nhiều người có thói quen mua những thứ họ không cần bằng tiền không phải của họ để gây ấn tượng với những người họ không thích. Nhưng nhiều người đã có thể kiếm được rất nhiều tiền cũng trong cuộc suy thoái, đã nói trên kia, nếu họ mua lại cổ phiếu khi chỉ số Dow là 7.500. Bây giờ chỉ số này là 22.500 — gấp ba lần!
Vậy khái niệm chủ chốt tôi nói đến ở đây chính là bạn phải chịu trách nhiệm 100% cho cuộc sống của mình - cho những gì bạn làm và cảm nhận về nó. Hiện nay, tôi nhận được rất nhiều phản đối về vấn đề này. Đó là một nguyên tắc cứng ngắc mà nhiều người không thể chấp nhận. Họ sẽ nói những câu như “Chà, tôi đồng ý tới 60 hay 70%, nhưng Max à, anh không hiểu gì cả.” Và sau đó họ sẽ nói với tôi những điều mà họ nghĩ là tôi chưa bao giờ được nghe suốt hơn 30 năm qua. Chúng ta phải làm được điều này. Bạn phải tin và củng cố niềm tin rằng bạn mạnh mẽ hơn những vấn đề của bạn. Để sống với sức mạnh, tư do và may mắn tuyệt đối, trước hết chúng ta phải tiếp thu khái niệm về trách nhiệm cá nhân. Chúng ta trở thành nạn nhân tới mức chỉ biết biện minh và không còn thoải mái chấp nhận.
Câu hỏi lớn: Bạn muốn trở thành người như thế nào? Ralph Waldo Emerson đã từng nói: “Những gì bạn nói to là những điều tôi không thể nghe thấy.”
Thành công của bạn phần lớn phụ thuộc vào việc bạn là ai. Trong thực tế, thành công phụ thuộc đầu tiên vào sự thuần khiết của trái tim bạn và tiếp đó phụ thuộc vào tài năng, kỹ năng và tham vọng. Chúng ta đều có thể nghĩ đến những ví dụ về những người có đầy tài năng, kỹ năng và tham vọng nhưng có vẻ họ chưa bao giờ thành công. Tương tự, chúng ta đều biết đến những người không hoàn toàn có tài năng hay tham vọng nhưng họ rất thành công. Con người thực của bạn cuối cùng rồi cũng sẽ được bộc lộ trong công việc và cả trong cuộc sống. Thu nhập của bạn chỉ có thể đúng bằng giá trị con người bạn. Hãy đầu tư vào chính mình, phát triển bản thân, mở rộng nhận thức hoặc ý thức và mở rộng tâm trí cũng như trái tim của bạn.
Đúng hay Sai: Chúng ta chỉ sử dụng được 10 đến 15% bộ não. Sai. Chúng ta sử dụng được cả 100%. Chúng ta chỉ không hiểu được mối quan hệ giữa một ý tưởng lóe lên trong đầu và những gì chúng ta đang suy nghĩ. Nói cách khác, hầu hết niềm tin cốt lõi đều là tiềm thức. Chúng ta liên tục tạo ra thực tại nhưng lại làm điều đó một cách vô thức. Chúng ta hoàn toàn không biết về mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả.
Có thể bạn đã ly dị ba hay bốn lần trước khi có ý tưởng lóe lên và bạn nhận ra vấn đề chung của các mối quan hệ đã đổ vỡ đó là gì. Hoặc bạn không may mắn trong thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hoặc trong việc kinh doanh. Nhưng ai chọn công ty nào để mua? Ai chọn thời điểm mua? Ai chọn thời điểm bán? Đúng vậy, có lẽ bạn không được giáo dục đầy đủ nhưng ai chịu trách nhiệm về việc học hành của bạn?
Bạn có thể nói: “Chà, tôi đã thuê một người chuyên nghiệp và anh ta làm mất hết tiền của tôi. Đó không phải lỗi của tôi.” Nhưng ai đã chọn người quản lý tiền? Tôi đoán là bạn cũng có phần trách nhiệm trong đó. Điều buồn cười là, có những người cũng làm điều tương tự và họ rất thành công. Có gì khác biệt?
Tôi khuyên bạn nên hiểu bản thân mình và tìm hiểu sâu hơn về niềm tin cốt lõi trong tiềm thức của bạn về tiền bạc, kinh doanh, con người, các mối quan hệ và cuộc sống. Tôi cá là chúng ta sẽ tìm ra vài niềm tin đang phá hoại nỗ lực của bạn trong các lĩnh vực này.
Hầu hết niềm tin cốt lõi tự giới hạn của chúng ta đều rơi vào ba loại: sợ hãi, thiếu sót và đấu tranh.
Sợ hãi: Kiểm tra bất kỳ niềm tin tiêu cực ở bất cứ lúc nào bạn không vui hay bất an, tự hỏi mình “Tôi thực sự sợ điều gì ở đây?” Câu trả lời có thể làm bạn kinh ngạc. Ví dụ, chúng ta có thể sợ thất bại nhưng hầu hết mọi người lại có nỗi sợ lớn hơn về thành công. Trong khi nỗi sợ thất bại khiến bạn chỉ tạo động lực cho bạn ở mức tối thiểu (thường gắn liền với cảm giác thoái mái được làm người bình thường) thì nỗi sợ thành công buộc bạn phải giữ được những gì mình có. Chúng ta đều được dạy cách chống lại nỗi sợ của chính mình, cố gắng vượt qua chúng hay có thái độ tránh né chúng. Nhưng nếu bạn muốn thành công thì bạn phải đối mặt với nỗi sợ của mình và học cách hết sợ hãi.
Thiếu thốn: Một nguyên nhân gốc rễ khác của niềm tin tự giới hạn chính là khái niệm thiếu thốn. Bạn có thể tin hoặc không tin rằng năng lượng và tài nguyên trong vũ trụ là vô tận. Nhưng không có khái niệm ở giữa. Đối với nhiều người, thế giới của họ chỉ thấy thiếu - thiếu thời gian, năng lượng, tiền bạc, sức khỏe, khách hàng. “Giá mà tôi có thêm XYZ thì tôi sẽ hạnh phúc biết bao.” Chà, có phải mọi thứ đều đủ cho tất cả mọi người hay không? Bạn trả lời xem, vì dù bạn trả lời thế nào thì bạn cũng đều đúng, thế giới của bạn là hình ảnh phản chiếu của niềm tin bên trong bạn. Nội tâm phản ánh ra ngoại thân.
Hãy lấy khái niệm thời gian làm ví dụ, nhân tiện thì khái niệm này chỉ có ở con người mà thôi. Ở động vật, không có hiện tượng nhiều cơn đau tim xảy ra lúc 9 giờ sáng thứ hai so với bất kỳ thời điểm nào khác trong tuần do căng thẳng hoặc do khái niệm thời gian. Thời gian là do con người tạo ra. Ấy vậy mà tôi, bạn, Oprah, Donald Trump, Tim Ferris và Bill Gates, chúng ta đều chỉ có 24 giờ một ngày. Vậy bạn đầu tư thời gian của bạn như thế nào? Quan trọng hơn là bạn cảm thấy thế nào về thời gian? Bởi vì cuối cùng, tất cả thời gian là do bạn tự quản lý. Các nghiên cứu cho thấy rằng nhận thức của bạn về thời gian và cách bạn sử dụng nó ảnh hưởng đến cách cơ thể của bạn chuyển hóa thời gian. Nói cách khác, những người thuộc tính cách loại A, những người hay lo lắng, luôn cố gắng đánh bại thời gian thì thường có xu hướng già đi nhanh hơn. Chúng tôi gọi đó là bị căng thẳng và sau đó là bị kiệt sức, liên tục kiệt sức, cho đến khi bạn già đi nhanh chóng và chết sớm. Lặp lại các cụm từ sau:
- Tôi có tất cả thời gian tôi cần để hoàn thành những gì quan trọng đối với tôi.
- Thời gian của tôi không ngừng tăng lên theo cả những cách bất ngờ lẫn dự đoán được.
- Mọi thứ Chúa ban tặng đều dư giả, kể cả thời gian của tôi.
- Tôi biết ơn thời gian mà tôi có.
- Tôi có đủ số tiền tôi cần để hoàn thành những gì quan trọng đối với tôi.
- Tiền của tôikhông ngừng tăng lên theo cả những cách bất ngờ lẫn dự đoán được.
- Mọi thứ Chúa ban tặng đều dư giả, kể cả tiền của tôi.
- Tôi biết ơn vì số tiền mà tôi có.
- Tôi có tất cả năng lượng và sức khỏe tôi cần để hoàn thành những gì quan trọng đối với tôi.
- Năng lượng và sức khỏe của tôi không ngừng tăng lên theo cả những cách bất ngờ lẫn dự đoán được.
- Mọi thứ Chúa ban tặng đều dư giả, kể cả năng lượng và sức khỏe của tôi.
- Tôi biết ơn vì năng lượng và sức khỏe mà tôi có.
Từ những ví dụ này, hãy nghĩ xem tại sao bạn cảm thấy mình không có đủ thời gian hoặc tiền bạc. Niềm tin cốt lõi đang ngăn cản bạn hoàn thành mục tiêu của mình là gì? Hãy nắm bắt ý định, niềm tin và hành động tiếp theo của bạn và cố gắng tạo ra mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả.
Cho dù bạn biết hay không, bạn đang ở trong quá trình quản lý năng lượng. Bạn có muốn biết làm thế nào để có được nguồn năng lượng tuyệt vời không? Bạn sẽ nói gì với bản thân trước tiên khi thức dậy mỗi buổi sáng? Điều này rất quan trọng. Hãy quay sang vợ của bạn và nói rằng: “Chào buổi sáng, em yêu!” Sau đó nhìn vào gương và nói:“ Chào buổi sáng, anh bạn đẹp trai!” Bạn nghĩ việc này ngớ ngẩn ư? Nó có hiệu quả đấy! Trong tuần đầu tiên, vợ của bạn sẽ nghĩ rằng bạn đang đùa giỡn cô ấy. Nhưng hãy thử nó và cho tôi biết nếu việc đó không thay đổi năng lượng của bạn cho cả ngày.
Đấu tranh: Điều thứ ba mà nhiều người đều trải qua, một niềm tin cơ bản, chính là đời là một cuộc đấu tranh. Chúng ta phải nghiêm túc, đặc biệt là trong kinh doanh. Đúng chứ? Sau tất cả, bạn làm việc càng chăm chỉ thì càng có trách nhiệm và càng xứng đáng kiếm được nhiều tiền hơn. Đúng chứ? Ai nói thế? Niềm tin này đến từ đâu và nó có thực sự đúng không? Hãy nhìn xung quanh bạn. Tôi hay nói đùa khi mọi người hỏi tôi dạo này thế nào. Tôi nói với họ: "Tôi là một người rất bận rộn, một người quan trọng, nhưng không ai tin tôi cả."
Nhiều người cần phải chứng minh tầm quan trọng của họ. Đôi khi điều này đòi hỏi họ phải thể hiện sự chăm chỉ và cách họ vượt qua những khó khăn và vì vậy họ xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp. Họ thậm chí còn tự tạo ra khó khăn để vượt qua.
Chúng ta thích hy sinh và dùng việc đấu tranh như một cái cớ để thể hiện rằng mình là một người tốt. Phim ảnh nổi tiếng là hay cổ vũ cho sự đấu tranh. Cái thiện thắng cái ác nhưng trước tiên phải đánh nhau cái đã, mà đôi khi còn là trận chiến đe dọa cả thiên hà. Ngay cả tình yêu cũng phải chiến đấu, phải đấu tranh để giành được. Tình yêu đơn phương là một trong những chủ đề lãng mạn phổ biến nhất mọi thời đại. Chúng ta được xã hội dạy rằng nếu đấu tranh hết mình thì cuối cùng chàng trai cũng có được cô gái — 89 phút đấu tranh giành lấy một phút kết thúc có hậu. Nhưng nếu chúng ta được sinh ra trong hạnh phúc, sống hạnh phúc và chết một cách hạnh phúc thì sao? Không, chúng ta thích những màn kịch tính, phải vậy không?
Vậy hãy chú ý đến việc niềm tin tiềm thức về sự sợ hãi, thiếu thốn và đấu tranh tác động lên hành vi và kết quả của bạn như thế nào.
Mấu chốt là bạn đặt sự chú ý của mình ở đâu vì bạn càng chú ý nhiều thì càng quan trọng trong cuộc đời bạn. Hãy thay đổi thái độ của mình và bạn sẽ thay đổi cuộc sống của chính bạn. Đây là cách bạn tạo ra thực tế của riêng mình.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn chú ý vào mọi thứ tới mức nào, mức độ thường xuyên và khả năng suy nghĩ của bạn mạnh đến mức nào. Nói cách khác, làm thế nào bạn có thể dễ dàng thể hiện mong muốn của mình? Câu hỏi trở thành “Bạn đang chú ý vào điều gì?”
Thành công là một thói quen và tôi đã xây dựng sáu bước mà bạn có thể sử dụng để thay thế những thói quen vô ích hoặc không lành mạnh bằng những thói quen sẽ giúp bạn thành công theo cách mà bạn muốn.
Sáu bước để thiết kế số phận của bạn
Bước 1: Tập trung - tinh thần, tình cảm, tâm trí. Những người thành công có một thói quen thành công giúp họ bắt đầu mỗi ngày luôn tập trung, yên bình, hạnh phúc, chú ý và năng suất.
Một số người gọi đó là Thời khắc của sức mạnh của họ. Ví dụ, họ sẽ dành 20 phút để cầu nguyện hoặc thiền định, 20 phút đọc các tác phẩm hoàn thiện cá nhân hoặc truyền cảm hứng và 20 phút để tập thể dục.
Thói quen buổi sáng của bạn thì thế nào? Viết ra ba thói quen mà bạn có thể làm mỗi ngày khiến bạn thành công hơn.
Bước 2: Nghĩ lớn. Bạn có nhớ khi bạn còn là một đứa trẻ và nhảy khỏi cầu thang không? Bạn bắt đầu với bậc đầu tiên, sau đó đi lên và nhảy khỏi bậc thứ hai. Tại sao? Bởi vì bạn không tin mình không thể bay!
Nhiều bạn không biết về sức mạnh tiềm ẩn của mình và bạn có thể đạt được những gì nếu bạn thực sự muốn. Tất cả những gì cần thiết là bạn phải có tầm nhìn rõ ràng và có lẽ là một chút hướng dẫn hoặc khuyến khích. Helen Keller từng nói rằng: "Điều tồi tệ hơn cả bị mù là có thị giác nhưng không có tầm nhìn."
Hãy để tôi hỏi bạn điều này: Sự khác biệt lớn nhất giữa một cố vấn tài chính kiếm được 100.000 đô một năm và một người kiếm được 500.000 đô la mỗi năm là gì?
- Những người thành công hơn bạn có thực sự thông minh hơn bạn?
- Họ có giỏi hơn ở lĩnh vực mà họ làm?
- Họ có giỏi hơn về mặt chuyên môn?
- Họ có đối xử tốt hơn với mọi người?
- Họ có giỏi hơn trong việc giao quyền hay quản lý thời gian?
- Họ có những kiến thức bí mật mà bạn không biết hay những kỹ năng mà bạn không có?
Hiện tại, trong một số trường hợp cá biệt, điều này có thể đúng vì chúng ta đều có những thế mạnh riêng. Nhưng bạn có biết sự khác biệt thực sự là gì không? Họ nghĩ lớn. Người nghĩ lớn thường đạt được những điều to lớn trong kinh doanh và cuộc sống. Với hơn 30 năm làm việc, tôi nhận ra rằng thiếu tầm nhìn là lý do chính khiến nhiều người không bao giờ sử dụng được hết tiềm năng của họ. Vậy muốn nghĩ điều gì, hãy nghĩ lớn!
Đối với nhiều người khi mới bắt đầu, họ cảm thấy bất khả chiến bại. Nhưng qua thời gian, nhiều người cảm thấy may mắn khi họ ra khỏi giường vào buổi sáng mà không bị đau nhức hoặc là họ có thể thanh toán các hóa đơn (không quan trọng là họ kiếm được bao nhiêu. Tôi biết vài nhà cố vấn kiếm được cả 500.000 đô một năm nhưng họ nợ rất nhiều và luôn bị áp lực về chuyện tiền bạc.)
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Trong khi chúng ta bắt đầu nghĩ lớn thì nhiều yếu tố lại đang hạn chế tầm nhìn của chúng ta theo thời gian. Đầu tiên, chúng ta dần bị xã hội hóa qua các phần thưởng và hình phạt cho đến khi tuân thủ và suy nghĩ giống như những người khác (suy nghĩ nhỏ hơn). “Xuống đây đi, bạn đang tự làm hại mình đấy! Bạn nghĩ bạn là ai? Bạn nghĩ gì thế, tiền mọc trên cây à? Bạn quá thấp, cao, đen, trắng, gầy, mập. Bạn đang ở sai vị trí đấy. Bạn không có đủ mối quan hệ. Bạn không có đủ kiến thức. Bạn có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Bạn vượt quá tiêu chuẩn.” Nếu bạn cứ nghe lời người khác thì cuối cùng bạn sẽ trở nên giống họ thôi. Hơn nữa, nhỡ họ sai thì sao? Sẽ thế nào nếu bạn thực sự trở nên giàu có, khỏe mạnh, hạnh phúc, đi du lịch khắp thế giới và trở thành người cha, người mẹ hoặc người ông, người bà tốt và trở thành một doanh nhân có trách nhiệm và làm điều gì đó tốt đẹp trong thế giới này? Biết đâu họ sai thì sao?
Một trong những nhà quản lý tiền lớn nhất mọi thời đại, Sir John Templeton, từng nói rằng: “Bạn không thể làm tốt hơn thị trường nếu bạn mua nó.” Bạn phải sẵn sàng làm điều gì đó khác biệt nếu bạn muốn có được kết quả cao hơn. Phải thừa nhận rằng, nghĩ lớn sẽ giúp bạn lọt vào nhóm 2% những người đứng đầu, vì vậy bạn phải nghe lời chính mình chứ không phải nghe lời người khác. Nếu cần ý kiến của người khác, hãy lấy ý kiến từ 2% những người có tư duy thành công.
Ngoài nguyên nhân xã hội hóa, một lý do khác khiến ta ngừng nghĩ lớn là do chúng ta quá tập trung vào chi tiết mà quên đi toàn cảnh. Nghĩ lớn là bài tập về sự tách rời cảm xúc, bổ sung tư duy và rút bớt thời gian khỏi các hoạt động nhỏ có thể cản trở sự tăng trưởng dài hạn của chúng ta. Dành thời gian để suy nghĩ, để phát triển tâm trí không phải việc dễ dàng trong thế giới quay cuồng mà ta đang sống. Nhưng đó là điều hoàn toàn cần thiết để giữ quan điểm, tái tạo trí thông minh và sự sáng tạo của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta được nghỉ ngơi, nhiều người vẫn rất bận rộn đến nỗi họ không có được một chút thời gian nghỉ đúng nghĩa. Chúng ta đều cần không gian, cần được giải phóng khỏi các nhu cầu, thời hạn, kỳ vọng và phán đoán để khám phá con người chúng ta và ý nghĩa của cuộc sống. Thời gian rảnh, không công việc là khoảng thời gian đầy tiềm năng. Vậy chúng ta làm thế nào để phát triển nếu không có không gian hay tự do để mơ ước, để trải nghiệm con người chúng ta?
Trở ngại thứ ba cho việc nghĩ lớn là sợ hãi. Như tôi đã nói, trở ngại này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Chúng ta sợ nghĩ lớn. Chúng ta sợ đặt câu hỏi. Chúng ta sợ thất bại, sợ thành công và sợ bị từ chối. Nhưng người biết nhìn xa trông rộng thì rất tự tin. Họ cảm thấy họ có nhiều, làm nhiều và cảm nhận nhiều. Họ hành động bất chấp nỗi sợ và họ nhận ra rằng ta không bao giờ nên hành động (hoặc không hành động) vì sợ hãi. Hành động luôn xuất phát từ điểm mạnh (tình yêu) và không bao giờ xuất phát từ điểm yếu (sợ hãi). Cách tốt nhất là đến là từ điểm mạnh. Có một câu tục ngữ cổ của Trung Quốc nói rằng: “Bạn ngó lơ con rồng và nó sẽ ăn thịt bạn. Nếu bạn đối đầu với con rồng thì nó sẽ chế ngự bạn. Nếu bạn cưỡi trên lưng rồng thì bạn sẽ tận dụng được con rồng và cả sức mạnh của nó. ”
Cứ tiếp tục tự hỏi “Mình muốn gì?” Bạn muốn gì ư? Hầu hết mọi người không muốn viết ra những mục tiêu lớn của họ. Họ không dám đòi hỏi những gì họ muốn chỉ vì họ nghĩ mình không xứng đáng với nó và họ sợ thất bại. Nhưng người thành công thì cho phép bản thân nghĩ lớn, cảm thấy xứng đáng và thậm chí được phép thất bại. Như Les Brown nói “Dám sống với ước mơ!”
Lặp lại các cụm từ: “Tôi là người nghĩ lớn! Tôi xứng đáng được giàu có! Đây không phải là thất bại, đây là kinh nghiệm. ”
Hãy dành một chút thời gian để nhìn vào ba thói quen của bạn. Chúng có dẫn bạn tới những mục tiêu bạn mà muốn thực hiện không? Chúng có liên quan tới ba điều mà bạn đã viết trước đó không?
Nếu không, bạn chỉ cần đưa ra ba mục tiêu khác mà bạn muốn thực hiện. Tôi muốn bạn đặt ra ba mục tiêu, cho dù chúng có là thói quen của bạn hay không. Chúng có thể là bất cứ điều gì trong lĩnh vực kinh doanh hay cuộc sống. Nhưng tôi muốn bạn nghĩ lớn. Mơ mộng một chút vào thời điểm này và chừng nào chúng ta còn đi cùng nhau thì tôi còn dạy bạn làm thế nào để biến giấc mơ thành hiện thực.
Bước 3: Hãy cụ thể. Trở nên cụ thể khiến bạn phải tập trung. Có phải mọi người đều muốn làm ít hơn, kiếm được nhiều hơn, giảm cân và tinh thần phong phú? Vấn đề với những mục tiêu này là gì? Chúng không cụ thể.
Nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền hơn thì bây giờ bạn có thể kiếm được bao nhiêu và bạn muốn kiếm được bao nhiêu? Viết ra việc mà bạn sẽ làm khi có tiền và bắt đầu thực hiện những mục tiêu đó như thể bạn đã có tiền. Nói vậy không có nghĩa là bạn đi vào nợ nần, nó có nghĩa là bạn hãy đi ra kia và lái thử chiếc xe mới. Hãy cảm nhận khoảnh khắc đó.
Cho họ biết bạn muốn màu gì. Chụp ảnh bạn trong chiếc xe mới hoặc ra ngoài, đi tới các cửa hàng và nói chuyện với những người ở gần khu phố mà bạn muốn sống. Hãy hình dung bạn sẽ sống ở đó như thế nào. Bạn sẽ chẳng mất gì cả. Tương tự, nếu bạn muốn làm việc ít hơn thì bây giờ bạn sẽ làm việc bao nhiêu giờ và bạn muốn làm việc bao nhiêu giờ?
Tất cả mục tiêu của bạn nên đo lường được. Nếu bạn không thể đo lường chúng thì đó không phải là mục tiêu tốt. Ngay cả đối với mục tiêu “cảm giác”, hãy xác định chính xác những tình huống cần thiết để tạo ra cảm giác đó. Vì vậy bạn chắc chắn có thể biết mình đạt được mục tiêu hay không và bạn có thể đo lường tiến trình của mình. Lập một danh sách những gì bạn sẽ làm khi rảnh rỗi. Danh sách này bây giờ sẽ là mục tiêu mới của bạn.
Hãy quay trở lại với ba mục tiêu lớn của bạn và hãy chắc chắn rằng chúng có thể đo lường được. Xác định cụ thể. Định lượng chúng. Đánh dấu chúng bằng một con số. Bạn sẽ theo dõi tiến trình của mình như thế nào và làm sao để biết khi nào bạn đã hoàn thành từng bước?
Bước 4: Hành động. Hành động và vũ trụ sẽ hồi đáp bạn, tôi hứa đấy. Không phải lúc nào cũng là một lời hồi đáp mà bạn thích, nhưng chắc chắn sẽ có hồi đáp. Nếu bạn muốn thành công thì bạn có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Thất bại thực sự là khi bạn không dám bắt đầu. Thành tựu khiêm tốn thường là do nỗ lực cũng khiêm tốn. Bất cứ ai trong doanh nghiệp tư vấn cũng đều biết điều này.
Khách hàng phải nghe theo lời khuyên của bạn để có lợi cho họ. Bạn nhận lại từ cuộc sống những gì bạn dành cho nó. Nếu bạn không hành động thì bạn sẽ không nhận được kết quả gì. Đừng lo lắng vì khi bạn hành động thì kết quả sẽ tới. Đó là một thực tế khoa học. Định luật chuyển động thứ ba của Newton: Đối với mọi hành động, luôn có phản lực cân bằng và ngược chiều. Bạn có thể làm mới Luật này bằng nhiều quan điểm khác. Trong máy tính, đó gọi là GIGO — Rác vào, rác ra (Garbage In, Garbage Out). Trong triết học phương Đông, đó gọi là nhân quả. Trong tôn giáo phương Tây, đó là “Gieo nhân nào, gặt quả nấy.” Và ở Asheville, NC, nơi tôi sống, họ gọi đó là “Gậy ông đập lưng ông!”
Hãy quay trở lại với mục tiêu lớn của chúng ta, bây giờ chúng là mục tiêu cụ thể và đo lường được. Bạn có thể làm gì để đến gần hơn với mục tiêu của mình mỗi ngày? Nếu các bước hành động quá lớn, hãy chia chúng thành các phần nhỏ hơn cho đến khi bạn có thể quản lý được, thành các bước hành động cụ thể.
Vậy bạn sẽ làm gì nếu bế tắc? Sẽ thế nào nếu bạn có tầm nhìn, suy nghĩ lớn, bạn viết ra những mục tiêu của mình, biết rõ và cụ thể về những mục tiêu đó, bạn hành động nhưng vẫn không thấy được kết quả mong muốn? Bạn sẽ làm gì? Gấp đôi nó lên. Đúng, tăng gấp đôi mục tiêu của bạn. Tôi biết điều này luôn khiến mọi người bất ngờ và đôi khi căng thẳng. Nó thậm chí còn làm họ bực mình nhưng điều đó là bình thường. Đôi khi bạn phải tác động lên niềm tin của mình để thấy được những kết quả khác nhau.
Bây giờ tôi biết những gì bạn đang nghĩ: “Nhưng Max à, anh không hiểu gì cả. Tôi không có đủ thời gian để hoàn thành các mục tiêu hiện tại của mình mà anh còn muốn tôi tăng gấp đôi nữa à?” Vâng đúng vậy, đặc biệt là khi bạn bế tắc hoặc chững lại. Lưu ý là tôi không nói làm gấp đôi. Tôi nói gấp đôi mục tiêu của bạn. Đây là lý do.
Từ những ngày đầu tôi điều hành một doanh nghiệp đầu tư và hoạch định tài chính quy mô toàn quốc, tôi đã học được cách trở thành một người đi ngược trào lưu và hóa ra đó là một chiến lược rất thành công. Khi muốn đầu tư, bạn chọn mua vào thời điểm nào? Bạn chọn lúc những người khác hoảng loạn vì khi đó giá thấp nhất. Sau đó, bạn chọn bán vào thời điểm nào? Là khi những người khác điên cuồng phấn khởi, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp vì khi đó giá cao nhất. Phải thừa nhận rằng, điều này đòi hòi dũng khí rất lớn nhưng ta sẽ nhận được phần thưởng tài chính tương xứng. Mọi người quá tập trung vào nỗi sợ và sự tham lam khiến họ luôn cố gắng biện minh cho lý do tại sao họ đi ngược lại. Hoặc như tôi muốn nói “Chúng ta không cần biết lý do là gì, chỉ cần mua thấp và sau đó bán được giá cao.”
Chúng ta có thể đưa khái niệm về đi ngược này vào quá trình thiết lập mục tiêu. Mọi người thường làm gì khi họ bế tắc? Họ tiếp tục đập đầu vào tường, thỏa hiệp hoặc từ bỏ hoàn toàn. Nhưng tất cả điều đó đều vi phạm quy tắc đầu tiên trong việc thiết lập mục tiêu, đó là nghĩ lớn. Tôi không nói là bạn hãy nghĩ lớn chỉ khi mọi thứ trở nên khó khăn hay bực bội và sau đó bạn lại nghĩ bé đi và thu nhỏ những giấc mơ của mình. Cách suy nghĩ lạc hậu này là nguyên nhân của thứ phương pháp dạy bạn phải đặt mục tiêu hợp lý hoặc có thể đạt được. Những người đó đang nói “Đừng cố gắng làm bất cứ điều gì quá lớn hay quá khó vì chúng ta không muốn bị thất bại. Chúng ta muốn có sự đảm bảo!” Tôi thậm chí không gọi đó là thiết lập mục tiêu. Nếu bạn tin vào cách định đoạt vận mệnh của mình như thế, bạn sẽ không tạo ra hay thực hiện được bất cứ điều gì mới. Trong hầu hết mọi trường hợp, khi các cố vấn tài chính có can đảm vượt qua khó khăn bằng cách nghĩ lớn và hành động, họ vượt xa cả mục tiêu ban đầu của mình. Để thành công ngoài mong đợi, bạn phải bắt đầu với một số kỳ vọng khá mãnh liệt.
Bây giờ bạn đã có các mục tiêu mình viết ra và các bước hành động được sắp xếp kỹ lưỡng, tôi muốn bạn bước ra khỏi vùng an toàn, quay lại và tăng gấp đôi mục tiêu của bạn. Chỉ cần tăng gấp đôi con số mà bạn đã viết khi tôi nói bạn phải cho con số cụ thể.
Nhưng nếu bạn phạm sai lầm thì sao? Đó chẳng phải là điều mọi người sợ hay sao? Vậy làm thế nào bây giờ? Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm lúc này hoặc lúc khác. Đừng quá khó khăn với bản thân. Đừng lo lắng bạn sẽ trông như thế nào. Đó chỉ là cái tôi của bạn.
Nếu bạn sẽ phạm sai lầm, hãy cứ làm đi, làm thật phong cách. Tôi không nói bạn chấp nhận những rủi ro không cần thiết một cách mù quáng nhưng nếu bạn bắt đầu từ nơi bạn đang đứng và chỉ thực hiện bước tiếp theo thì thường không có gì nguy hiểm. Nếu bạn phạm sai lầm, hãy phạm sai lầm một lần, học hỏi từ nó và đi tiếp. Nếu bạn thông minh và giỏi quan sát, bạn cũng sẽ học được từ những sai lầm của người khác.Vì bạn không thể sống đủ lâu để tự mình trải qua hết những sai lầm đó.
Vũ trụ liên tục gửi cho chúng ta những tín hiệu nhưng nhiều lần chúng ta không lắng nghe. Đầu tiên, nó thì thầm nhẹ nhàng dưới hình thức trực giác hay cảm giác trong lòng bạn. Sau đó, nó gửi mọi người và mọi thứ vào cuộc sống của chúng ta để thử và cho chúng ta biết. Sau đó, nó khẽ nháy mắt để thu hút sự chú ý của chúng ta. Nếu điều đó không có hiệu quả, đôi khi nó sẽ đánh vào đầu chúng ta một cái rất đau. Trong khi điều này nghe có vẻ buồn cười thì nó lại thường xảy đến dưới dạng bi kịch của cuộc sống. Chỉ cần điều chỉnh và trải nghiệm. Đừng kháng cự lại điều đó. Hãy cảm nhận điều mà tình hình đang cố gắng nói với bạn. Đừng cố gắng làm ý chí của bạn chồng lên nhau, điều bạn nghĩ đáng lẽ nên xảy ra.
Bước 5: Cam kết. Quá nhiều người làm việc nửa vời trong việc tiếp thị, trong các mối quan hệ với mọi quyết định họ thực hiện. Đây là một vấn đề lớn vì sự nghi ngờ sẽ giết bạn. Sợ hãi, nghi ngờ, và do dự làm tê liệt mọi thứ.
Trở lại khi bạn còn là một đứa trẻ và bạn học cách đi xe đạp. Hãy nhớ ngày định mệnh khi họ lấy mấy cái bánh xe tập đi ra khỏi chiếc xe và hướng dẫn cho bạn đi? Bạn không biết phải làm gì nhưng bạn cứ nắm chặt tay lái và sau đó ngã xuống đường. Chuyện gì đã xảy ra? Có phải bạn đã nói “Đủ rồi! Lắp lại bánh xe tập đi vào cho con. Con tập xong rồi”? Không, bạn đã có một khao khát. Bạn muốn được như những đứa trẻ lớn và bạn thậm chí không thèm quan tâm nếu ban đầu có đứa bạn cười nhạo mình. Thành công là sự trả thù tốt nhất!
Có một câu nói cũ “Nếu bạn muốn chiếm lấy hòn đảo thì bạn phải đốt con thuyền.” Đừng ngoái nhìn lại, chỉ cần đảm bảo bạn hoàn thành công việc, bất kể nó là việc gì. Ngày nay có quá nhiều người đánh lừa bản thân và cố gắng đánh lừa người khác bằng cách biện minh. Họ mắc bệnh excusititus (người mắc bệnh này luôn tìm cách biện minh cho mình). Nhưng tất nhiên những người có thể làm, nhất định sẽ làm được. Những người không làm được thì tìm cách biện minh. Đừng vướng vào căn bệnh excusititus.
Bước 6: Làm mới và lặp lại. Toàn bộ quá trình thiết kế vận mệnh của bạn chỉ là một bài tập để xem bạn thể hiện mong muốn của mình nhanh chóng và dễ dàng như thế nào. Không ai làm mọi thứ hoàn hảo ngay trong lần thử đầu tiên.
Đừng phán xét bản thân và đừng giữ mọi thứ cho riêng mình. Nếu bạn cảm thấy quá áp lực, chỉ cần thiết lập lại toàn bộ quá trình bằng cách dán nhãn lại những gì Tony Robbins gọi là “Phát triển kết quả hiệu quả”. Hãy nhớ đến GIGO. Đừng bị ràng buộc. Nếu bạn không thích kết quả bạn đạt được, chỉ cần thay đổi cách thực hiện. Điều đó sẽ có hiệu quả.
Chỉ cần hành động và thoát khỏi lối mòn. Chỉ cần bắt đầu, nhìn ra cơ hội và theo đuổi nó mặc dù ban đầu bạn không hoàn toàn chắc chắn về câu trả lời của mình. Đừng chờ đợi để vượt qua những khó khăn có thể xảy đến trước khi bạn bắt đầu. Bước xuống hành lang, liếc ra sau mỗi cánh cửa và xem nó có gì cho bạn học hỏi hay trải nghiệm không. Oliver Wendell Holmes nói rằng: “Tôi thấy điều tuyệt vời trong thế giới này không phải ở nơi chúng ta đang đứng mà ở con đường chúng ta đang đi.” Cách thận trọng duy nhất để đi tới thành công là dùng đôi chân của bạn bước đi từng bước. Khi bạn hành động, bạn sẽ thấy cả vũ trụ cùng di chuyển để hỗ trợ cho những ý định đó, đó là sự hỗ trợ của cuộc sống và sự phù hợp với bạn vào thời điểm đó. Bạn sẽ sớm nhận ra là mình phải chạy để theo kịp. Và câu hỏi là “Bạn có thể đạt được thành công bao nhiêu?”
Một khi chúng ta chịu trách nhiệm cá nhân 100% cho việc tạo ra kết quả và trải qua sáu bước tôi đã nói, cái gọi là phép màu bắt đầu xảy ra. Phép màu chỉ là cái tên mà chúng ta gọi những thứ mình không biết. Một khi chúng ta biết nó hoạt động như thế nào, chúng ta bắt đầu chấp nhận nó như một sự hiển nhiên hàng ngày. Và chúng ta sẽ sớm gọi đó là một sự kiện (khoa học). Hiện tại, chúng ta thấy điều này thường xuyên trong y học, công nghệ, truyền thông, kinh doanh và giáo dục.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ về phép màu của riêng tôi. Vợ tôi luôn mơ ước được đến Ấn Độ. Do chúng ta được kết nối, năm ngoái, tự nhiên tôi nhận được một yêu cầu trên trang web của mình và 90 ngày sau đó, tôi đã đứng ở Taj Mahal nói chuyện với 1.500 cố vấn tài chính.
Tóm lại, cuộc sống thay đổi vào ngày mà bạn nhận ra mình sẽ không sống mãi trên đời. Trong phạm vi có thể, bạn muốn dành thời gian làm những việc quan trọng cùng với những người quan trọng. Vì vậy, chỉ cần làm điều bạn thích. Nếu bạn không thức dậy nổi vào mỗi buổi sáng, tôi khuyên bạn nên nằm trên giường cho đến khi nghĩ ra điều gì đó để làm vì cuộc sống này quá ngắn để sống một cách nửa vời.
Sự thật là bạn có sức mạnh để làm bất cứ điều gì, đi bất cứ đâu và trở thành bất cứ ai mà bạn muốn. Trong cuốn sách kinh điển As A Man Thinketh, James Allen đã nói “Hoàn cảnh không tạo ra con người. Hoàn cảnh đơn thuần chỉ hé lộ suy nghĩ của chính người đó.” Đúng là như vậy. Bất cứ điều gì gọi là “vấn đề” chỉ là cơ hội để tái tạo bản thân và để điều chỉnh hướng đi của bạn.
Điều này lại hoạt động trên nguyên tắc những gì bạn chú tâm sẽ phát triển mạnh trong cuộc sống, chính bởi vì sự chú tâm đang giúp bạn tạo ra điều đó. Ví dụ, trong thế giới tài chính, chúng ta đánh giá cao điều gì đó khi nó tăng giá trị. Tương tự, khi chúng ta đánh giá cao điều gì đó phi tài chính, nó cũng sẽ tăng giá trị. Nguyên tắc này hoạt động cả về ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều người chỉ tập trung vào những thứ họ không có thay vì thấy biết ơn những thứ họ đang có. Vậy cuộc sống của bạn đang đi theo hướng nào?
Nhớ rằng suy nghĩ mang năng lượng. Suy nghĩ tích cực mang đến năng lượng tích cực và suy nghĩ tiêu cực mang đến năng lượng tiêu cực. Nếu bạn muốn có năng lượng không giới hạn, thứ đầu tiên có thể cho bạn là suy nghĩ.
Ai muốn thay đổi cuộc sống của mình? Ở ngay đây và ngay lúc này. Hoàn toàn miễn phí, dễ dàng, nhanh chóng và bạn không phải dính vào. Đừng phàn nàn. Đừng buôn chuyện, đừng chỉ trích và đừng phàn nàn. Cũng đừng ngạc nhiên nếu ban đầu chẳng có gì để nói. Bạn có thích làm ăn với những người vui vẻ không? Vậy hãy trở thành người vui vẻ mà mọi người đều muốn làm việc cùng.
Những gì chúng ta làm ở đây là thay đổi thói quen, nhưng đó là thói quen có ý nghĩa vô giá đối với sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc của bạn trong cuộc sống. Và bạn sẽ có nguồn năng lượng không giới hạn. Thay vì dùng năng lượng tiêu cực để tránh các tình huống và xung đột thì hãy mở rộng năng lượng và phạm vi ảnh hưởng của bạn bằng cách tập trung. Khi bạn lựa chọn, hãy chọn những suy nghĩ tích cực. Hoặc yêu nó hoặc rời bỏ nó. Nhưng đừng phụ thuộc và phàn nàn. Bây giờ chúng ta có thể nói: Hãy nói rõ mong muốn của bạn, hãy hành động, hãy tránh xa các bi kịch và đừng phàn nàn. Hãy cố tạo một thói quen mới trong 30 ngày và cho tôi biết thói quen đó có thay đổi cuộc sống của bạn hay không.
Nhắc lại quy trình sáu bước thiết kế vận mệnh của bạn là:
- Tập trung.
- Nghĩ lớn.
- Hãy cụ thể.
- Hành động.
- Cam kết.
- Làm mới và lặp lại.
Hãy vui vẻ thực hiện và đừng phàn nàn.
Tôi sẽ hỏi lại hai câu hỏi tương tự mà tôi đã hỏi ở phần đầu của bài thuyết trình này. Bạn muốn phát triển kinh doanh nhiều bao nhiêu? Và nhanh như thế nào? Bạn thấy đấy, bạn luôn có lựa chọn. Đó là quy tắc cũ 80/20. 20% các cố vấn tài chính hàng đầu có khả năng kiếm được 80% tổng số tiền. 80% còn lại cùng chia nhau 20% kia.
Bây giờ, để thực hiện tất cả những điều này, bạn cần một thái độ đúng đắn. Lặp lại: “Tôi hứa sẽ làm tốt, bớt coi trọng bản thân và các vấn đề của mình và chỉ hôm nay thôi, tôi sẽ từ bỏ công việc Giám đốc vũ trụ!”

Max Bolka là một cựu binh với hơn 30 năm trong ngành dịch vụ tài chính. Ông đã dành hơn 20 năm để nói chuyện với các tư vấn viên trên thế giới, cung cấp các hệ thống và kỹ thuật để phát triển kinh doanh theo những cách mới và bất ngờ. Bolka đã xây dựng một doanh nghiệp về hoạch định và đầu tư tài chính tầm cỡ quốc gia, làm việc với khách hàng từ New York tới Hawaii và ở nước ngoài và hiện ông nói chuyện với những người nghe đầy háo hức ở mọi nơi từ Ấn Độ tới Indiana. Ông chuyên về hợp tác với các tư vấn viên để cung cấp cho khách hàng hoạch định di sản toàn diện và hoạch định thừa kế cho chủ doanh nghiệp.