
Tôi biết hẳn có chút mâu thuẫn khi có mặt tại một buổi hội thảo dành cho các chuyên gia tài chính và nói rằng tôi sẽ trình bày về niềm vui. Tôi không nói về nền kinh tế; tôi không nói về công nghệ. Tôi sẽ nói về niềm vui. Lý do tôi nói về niềm vui là bởi tôi tin rằng đây là một trong những nguồn lực mạnh mẽ nhất trên thế giới. Hy vọng rằng khi kết thúc buổi nói chuyện này, các bạn sẽ cảm nhận được một chút về việc làm sao để có thêm nhiều niềm vui, mục đích và cảm giác về nguồn năng lượng cũng như góc nhìn tích cực trong cuộc sống.
Tôi sẽ bắt đầu với lý do tại sao tôi nói về niềm vui và giới thiệu một chút về công ty của tôi, SoulPancake. Tôi lập ra SoulPancake vào 10 năm trước cùng với anh chàng này, một gã lập lị, Rainn Wilson. Cậu ấy đóng vai Dwight Schrute trong “The Office”, chương trình truyền hình “The Office” của Mỹ. Khi trở thành diễn viên nổi tiếng nhờ nhân vật của mình, cậu ấy đã nói: “Cô biết sao không? Tôi muốn tạo ra điều gì đó tích cực trên mạng. Tôi đã đóng vai một gã lập dị, cáu kỉnh và rồi tôi cảm thấy có rất nhiều, xin lỗi về cách dùng từ, thứ rác rưởi trên mạng. Tôi vẫn nghĩ là chỉ có một chút rác rưởi trên mạng.”
Và cậu ấy nói: “Tôi muốn tạo ra điều gì đó thật tích cực. Tôi muốn tạo ra một nơi mà mọi người có thể tới bên nhau, một nơi mà họ có thể cùng đi sâu vào những câu hỏi lớn trong đời và họ có thể nói về tất cả những gì lớn lao mà chúng ta thường nghĩ tới và khám phá trong những trải nghiệm con người, những trải nghiệm mang tính phổ quát mà mọi người cùng chia sẻ.” Tất cả chúng ta đều kiếm tìm tình yêu, kết nối, sự phát triển, thành công. Và dù vậy đôi khi chúng ta không nghĩ tới việc làm sao để kết nối và liên hệ bản thân với những con người khác, làm sao để nghĩ về những câu hỏi lớn mà tất cả đều đặt ra.
Nếu các bạn có mặt ở một bữa tiệc và ai đó tiến đến rồi nói: “Này anh, chúng ta cùng nói về mục tiêu cuộc đời và điều gì xảy ra sau khi chết đi. Nghệ thuật và tình yêu là gì nhỉ?,” hẳn là cuộc trò chuyện và bữa tiệc sẽ bị bị mất vui. Do đó chúng tôi muốn tạo ra một không gian nơi mọi người có thể nói về những ý tưởng lớn này và thực sự khám phá ý nghĩa của việc là một con người. Chúng tôi bắt đầu công ty vào 10 năm trước và hiện nay, về cơ bản, chúng tôi là một studio sáng tạo content (nội dung). Chúng tôi sáng tạo ra các chương trình giải trí khởi nguồn từ ý tưởng về sự kết nối giữa người với người.
Chúng tôi làm việc này trên mọi phương diện theo nhiều cách, từ nội dung kỹ thuật số và xã hội, tới nội dung truyền hình và nội dung dạng dài. Nhưng tất cả những gì chúng tôi sáng tạo ra, tất cả mọi thứ, đều bắt nguồn từ một ý niệm rằng: Con người kết nối như thế nào? Và cuối cùng là, làm sao để chúng tôi có thể khơi tạo cảm hứng giúp mọi người sống cuộc đời tốt đẹp nhất? Đó thực sự là phần lớn những gì chúng tôi làm.
Oprah Winfrey đã gọi chúng tôi là “những mẩu ánh sáng bé nhỏ” Khi Oprah nói về bạn như vậy, bạn hẳn sẽ đưa nó vào bài thuyết trình bởi đó là Oprah. Vậy nên hiển nhiên là tôi muốn nhắc tới nó. Tôi sẽ bật một đoạn video, chỉ là một video ngắn thôi, để giúp các bạn mường tượng được dạng content chúng tôi sáng tạo ra và âm điệu của những gì chúng tôi đang sản xuất. [video]
Các bạn hẳn đã cảm nhận được dạng content mà chúng tôi sản xuất. Chúng tôi thành công thực sự. Chúng tôi rất tự hào về những gì mình xây dựng lên. Trên mạng, các video của chúng tôi có tới 1 tỉ lượt xem. Chúng tôi có hơn 60 triệu người ghé thăm trang web mỗi tháng để theo dõi nội dung các video mỗi ngày. Chúng tôi sản xuất các chương trình truyền hình cho CW, CBS, Discover và vô số dự án với các thương hiệu. Chúng tôi thường đùa rằng mình đã khiến mọi người khóc lóc thảm hại bởi chúng tôi dẫn đường cùng cảm xúc và khuyến khích mọi người thực sự cảm nhận, đồng thời sống một cuộc đời mạnh mẽ hơn, có mục đích hơn.
Một vài năm trước, chúng tôi đã được một công ty có tên là Participant Media mua lại. Participant Media chuyên làm phim, phim truyện và phim tài liệu, các bạn hẳn cũng đã biết một số tựa phim của hãng. “Green Book,” “Roma,” “RBG,” tất cả đều được đề cử giải Oscar của năm nay. Công ty mẹ của chúng tôi cũng sáng tạo ra các content có thể truyền cảm hứng cho mọi người và thay đổi trái tim cũng như tâm trí nhờ kể chuyện. Trong khi làm việc này và sáng tạo ra dạng content này, chúng tôi đã học được rất nhiều trong việc kết nối với các khán giả trực tiếp. Khi bạn có 10 triệu người hâm mộ, hầu hết đều thuộc thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ X với độ tuổi nằm trong khoảng từ 14 tới chừng 36, phần lớn trong số họ luôn sẵn lòng phản hồi lại về những gì bạn sáng tạo và nói cho bạn biết họ muốn nghe về điều gì.
Trong khi làm công việc này, chúng tôi đã học được rất nhiều về những gì truyền cảm hứng cho mọi người và rốt cuộc những gì mang đến cho họ niềm vui. Hôm nay, tôi xin chia sẻ một chút về cách khai thác sức mạnh của niềm vui. Chúng ta sẽ nói một chút về ý tôi muốn nói đến khi dùng từ niềm vui và chính xác là tôi muốn miêu tả điều gì. Nhưng tôi muốn nói về cách khai thác sức mạnh của niềm vui và thực sự sống một cuộc đời có mục đích. Đôi khi tôi nghĩ, chúng ta bị bỏ mặc với cảm giác không có mục đích, không hiểu được lý do phải bước tiếp trong thế giới này là gì. Đây là một cuộc hội thoại mà tôi nghĩ không nhiều người từng có. Do vậy, ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nói về điều này. Chúng ta sẽ chỉ nói về nó mà thôi.
Tại sao? Tại sao tôi muốn nói về niềm vui? Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới thực sự, thực sự xao nhãng. Cứ mỗi 0,001 giây lại có một video được đăng tải lên YouTube. Tức là có tới 1000 video được tải lên YouTube mỗi giây. Có 500 triệu dòng tweet được gửi đi mỗi 25 giờ đồng hồ. Một người Mỹ trung bình hiện dành ra 45 phút mỗi ngày trên Facebook. Chúng ta bị nhấn chìm bởi thông tin, bị nhấn chìm trong đó mỗi ngày. Tiếng ồn từ bên ngoài ập đến với chúng ta. Tôi thường cho rằng khi các bạn bị tấn công dồn dập bởi vô số tiếng ồn từ bên ngoài, các bạn sẽ bị xao nhãng khỏi việc thực sự nhìn vào bên trong và đảm bảo rằng mình đang tập trung vào những gì quan trọng nhất trong cuộc sống.
Khi các bạn bị tấn công bởi vô số nguồn gây xao nhãng, đặc biệt từ các phương tiện truyền thông, các bạn sẽ giống như thế này: những chú sóc, nếu các bạn đã xem bộ phim “Up.” [hình ảnh] Các bạn bị làm xao nhãng. Các bạn không thể tập trung. Thật khó để tập trung vào bất kỳ thứ gì, chưa nói đến việc tập trung vào bản thân chúng ta. Tôi cho rằng điều đó dẫn đến một số hậu quả lớn trên thế giới. Ngay giờ đây, nỗi bất an, sự cô đơn, căng thẳng, tự tử, trầm cảm — những vấn đề này đang gia tăng trên toàn thế giới. Ở Mỹ, số vụ tự tử đã tăng 30 phần trăm trong 10 năm qua. Xã hội chúng ta đang ở các mức trầm cảm và bất an cao nhất. Năm ngoái ở Vương quốc Anh, mọi người đã bầu ra cả Bộ trưởng Cô đơn.
Có một đại dịch về cảm giác cô đơn, bất an, căng thẳng và trầm cảm mà chúng thực sự, hoàn toàn không biết phải làm sao để xử lý. Tôi cho rằng sự xao nhãng không ngừng là một trong các nguyên nhân. Có những tác động to lớn đối với nhóm người trẻ hơn. Rất nhiều người ở nhóm dân số14 tới 25 tuổi cảm thấy mất kết nối với thế giới. Họ cảm thấy bị cô lập và cô đơn. Tôi thực sự muốn đề nghị tất cả mọi người, nếu có thể thì hãy lấy điện thoại của mình ra một chút, mở trình duyệt web và vào Google. Các bạn hãy vào Google trên trang chủ của mình. Tôi đã thấy có nhiều người lấy điện thoại ra, giờ thì hãy vào google.com trên trình duyệt của các bạn. Tôi muốn các bạn gõ vào dòng chữ “trường đại học khiến tôi cảm thấy,” và cho tôi biết dòng gợi ý tự điền là gì. Hãy hét to lên đi ạ; tôi sẽ cố gắng nghe các bạn.
Khán giả: Ngu ngốc.
Mogharabi: Trường đại học khiến tôi cảm thấy ngu ngốc. Trường đại học khiến tôi cảm thấy trầm cảm.
Khán giả: Phát ốm.
Mogharabi: Trường đại học khiến tôi cảm thấy phát ốm. Muốn tự tử.
Khán giả: Thất bại.
Mogharabi: Như một thất bại. Đây là những dòng gợi ý tự điền trên Google. Google là một thuật toán. Tất cả những gì Google làm đó là lấy các cụm từ được tìm kiếm thường xuyên nhất và điền vào màn hình của bạn. Và thế là, trường đại học khiến tôi cảm thấy ngu ngốc. Trường đại học khiến tôi cảm thấy như một thất bại. Trường đại học khiến tôi cảm thấy muốn tự tử, cô đơn. Đây là những gì mà lứa tuổi 18 đến 24 trên toàn thế giới cảm thấy khi nói về trải nghiệm ở trường đại học của họ. Chúng ta đang ở trong một cơn đại dịch về sự cô đơn. Tôi cho rằng trong bối cảnh này, khi chúng ta thực sự căng thẳng và bất an, tôi thành thực tin rằng niềm vui, cảm thấy vui thú, cảm thấy tích cực một cách chủ tâm và thay đổi góc nhìn để có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống giống như một hành động phản kháng. Thực sự là vậy. Trong thế giới này, vui thú là một hành động phản kháng.
Do đó tôi sẽ nói về một số bí kíp mà chúng tôi đã học được về niềm vui, về ý nghĩa của nó và làm sao để có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Bí kíp thứ nhất tôi nói đến là một thực tế rằng “niềm vui” không phải là một từ xấu. Đôi khi tôi cảm thấy khi tôi nói với mọi người rằng tôi sẽ trình bày về niềm vui, và khi tôi nói về việc là đại sứ của niềm vui đồng thời hãy thay đổi góc nhìn của bạn trong cuộc sống để có thêm nhiều niềm vui — bất kể khi nào tôi nói với mọi người điều này, họ thường nói rằng tôi có chút như Pollyanna, rằng tôi quá ngây thơ, rằng tôi nhìn thế giới qua một lăng kính hồng, và làm sao tôi không thể thực tế một chút về tất cả những thử thách chúng ta đang đối mặt?
Tôi không nói rằng chẳng có thử thách nào cả. Tôi không nói rằng không có những vấn đề thực sự khó khăn mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống con người. Kiểu niềm vui mà tôi nói đến không phải là một cảm xúc; nó không phải là việc cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là “Tối qua tôi đã có một bữa ăn tuyệt vời và nó rất ngon.” Hạnh phúc là “Con gái tôi sắp kết hôn.” Hạnh phúc là “Tôi tìm thấy 20 đô-la trong túi quần jeans khi lấy nó ra từ máy sấy.” Đó là hạnh phúc. Đó là cảm xúc. Cảm xúc đến và đi, cũng như sự tức giận hay buồn đau hay thất vọng.
Các cảm xúc này đều là những trải nghiệm hợp thức trong hành trình của mỗi con người chúng ta. Chúng đều hợp thức, nhưng chúng đến và đi. Cảm xúc và cảm nhận đều chỉ là thoáng qua. Dạng niềm vui mà tôi đang nói đến thực ra là cách nhìn nhận của các bạn trong mọi tình huống. Nếu một người bạn bị chẩn đoán mắc căm bệnh nào đó hoặc bạn phải vượt qua đổ vỡ hôn nhân hoặc bạn bị mất việc, đó là những tình huống hết sức khó khăn cần phải đối mặt trong cuộc sống. Nhưng cách nhìn nhận mà bạn có, trạng thái tâm lý tích cực đó, đó chính là dạng niềm vui mà tôi đang nói tới.
Chúng tôi có rất nhiều trải nghiệm với dạng niềm vui này. Một trong những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất mà chúng tôi làm là “Kid President (Tổng thống nhí.)” Chương trình có hơn 200 triệu lượt xem; đây là chương trình rất, rất nổi tiếng. Chương trình về cậu bé Robby Novak. Cậu ngồi trong văn phòng bầu dục bằng giấy bìa và đưa ra những thông điệp tích cực, truyền cảm hứng tới cả thế giới từ văn phòng giấy bìa của mình. Cậu ấy là tổng thống tự bổ nhiệm “dạng con nít.” Một trong những điều mọi người không biết về Kid President, dù rất nhiều người đã xem các video cổ động cũng như các thông điệp tích cực của cậu bé, đó là cậu bé Robby thực ra mắc phải chứng bệnh xương thủy tinh. Căn bệnh của cậu gọi là osteogenesis imperfecta. Nó có nghĩa là xương của cậu bé dễ gẫy hơn bất kỳ người nào. Hiện giờ Robby mới 15 tuổi. Và cậu đã bị gẫy xương hơn 90 lần trong phần cuộc đời ngắn ngủi của mình. Xương của cậu bé dễ gẫy hơn những người khác. Sự phát triển của cậu bị ngưng trệ; còn có rất nhiều khó khăn cậu phải đối mặt trong đời. Thế nhưng cậu bé mà các bạn nhìn thấy trong các video cũng hệt như Robby ngoài đời thực. Cậu sẵn sàng nhảy khi tiếng nhạc cất lên; nếu bạn đưa ra một cây gậy bóng chày, cậu ấy cũng sẵn sàng để chơi. Đó chính là con người cậu.
Robby có một người anh rể là Brad Montague. Brad nhìn Robby và nói: “Trời đất, đây là cậu bé với quá nhiều thử thách trong đời. Cậu ấy gặp phải quá nhiều thứ chống lại mình, ngăn cản cậu, không cho cậu cảm nhận niềm vui mỗi ngày. Vậy nhưng điều đó chẳng ngăn được cậu. Cậu không để các thử thách ngăn cậu lại. Niềm vui con trẻ mà cậu mang đến mỗi ngày, mặc cho những thử thách bệnh tật — không gì trong cuộc sống này có thể ngăn cản tôi mang đến nguồn năng lượng tương tự mỗi ngày.”
Brad thực sự cho rằng có vài bài học đáng giá rút ra từ đó. Tôi cho rằng một trong những lý do khiến “Kid President” trở thành chuỗi phim có thương hiệu thành công như vậy là vì nó đã chạm tới phần cảm tính rằng bất kể mọi khó khăn, sẽ luôn có cách để thể hiện một bản thân vui vẻ nhất trong những trải nghiệm như vậy. Tôi không bịa ra điều này bởi chúng tôi thường sản xuất các video. Lý thuyết này cũng dựa trên cơ sở khoa học. Người đàn ông rất thông minh này là một nhà khoa học xã hội, tiến sĩ Martin Seligman. Ông ấy cha đẻ của lĩnh vực nghiên cứu có tên là tâm lý học tích cực.
Khi nói tới tâm lý học, định nghĩa của “tâm lý học” trong lịch sử và thứ mà chúng ta vẫn thường coi là tâm lý học, nó thực sự về những vấn đề: Có chuyện gì với tôi vậy? Vậy là chúng ta tới các buổi trị liệu; tôi đã đi trị liệu. Chúng ta tới trị liệu và chúng ta cố gắng tìm ra vấn đề. “Tại sao não bộ của tôi lại hoạt động thế này?” “Tại sao tôi lại nghĩ về vấn đề này theo cách đó?” “Tại sao mối quan hệ này không ổn?” “Tại sao tôi không thể nói về nhu cầu của bản thân một cách hiệu quả?” Chúng ta tới trị liệu để tìm ra xem có vấn đề gì không ổn với bản thân. Thế rồi tiến sĩ Martin Seligman xuất hiện và về cơ bản những gì ông đã nói vào những năm 1970 là: “Có rất nhiều người gặp những điều suôn sẻ. Họ có sự bền bỉ cùng đam mê, họ có khả năng phục hồi và họ có cả góc nhìn tích cực về cách đối mặt trong cuộc sống. Tôi muốn hiểu được có gì đúng đắn ở họ. Tôi muốn hiểu và đo lường các yếu tố trong cuộc đời họ đã góp phần vào trạng thái tâm lý tích cực này.”
Ông đi tiên phong trong lĩnh vực này và tiến hành rất nhiều nghiên cứu. Tôi sẽ trình bày ví dụ về một trong các nghiên cứu của ông. Seligman thực hiện một nghiên cứu tại trường đại học Chicago với một nhóm sinh viên đại học. Các nhà nghiên cứu đưa những sinh viên đại học này tới và để họ làm một bài trắc nghiệm về mức độ hạnh phúc của mình. Các sinh viên không hề biết bài trắc nghiệm là về gì; họ chỉ trả lời các câu hỏi trong đó. Sau đó các nhà nghiên cứu nói: “Được rồi các bạn, chúng tôi muốn các bạn hãy đi chơi vào cuối tuần này và chúng tôi muốn các bạn khiến mình hạnh phúc hết mức có thể. Làm bất kỳ điều gì các bạn muốn. Chỉ cần khiến bản thân các bạn hạnh phúc hết mức có thể.”
Vậy là các sinh viên đại học ra ngoài và họ đã làm gì? Họ đi uống; họ hẹn hò với mọi người; họ tiệc tùng. Họ nói: “Tôi sẽ khiến bản thân hạnh phúc hết mức có thể.” Họ hít cỏ; họ hẹn hò với mọi người; họ làm cả đống thứ. Họ quay lại vào tuần kế tiếp và các nhà nghiên cứu nói: “Được rồi. Chúng tôi muốn các bạn làm một trắc nghiệm khác nữa.” Vẫn là bài trắc nghiệm cũ nhưng câu hỏi đã bị xáo trộn và viết lại để mọi người không biết đó chính là bài trắc nghiệm trước. Thật bật ngờ, tất cả mức hạnh phúc của mọi người đều hạ xuống. Sau đó các nhà nghiên cứu nói: “Được rồi, tốt. Chúng tôi muốn các bạn ra ngoài vào cuối tuần này và chúng tôi muốn các bạn thực hiện một hành động quan tâm giúp đỡ ai đó. Mua cho ai đó một cốc cà phê. Thực hiện hành động nhỏ quan tâm giúp đỡ ai đó.”
Những sinh viên này lại ra ngoài vào cuối tuần. Họ quay lại vào tuần kế tiếp và các nhà nghiên cứu nói: “Các bạn đã làm gì vào cuối tuần?” Họ trả lời: “Anh biết đấy, tôi đã giúp hàng xóm chuyển nhà.” “Tôi đưa bà mình đi mua đồ.” “Tôi lái xe đưa bạn tới sân bay.” Họ chỉ nhắc tới những điều nho nhỏ họ làm để giúp đỡ người khác. Họ lại làm trắc nghiệm và thật bất ngờ, tất cả mức hạnh phúc của mọi người đều tăng lên. Mức độ hạnh phúc thực ra đã tăng tới mức mà mọi người còn hạnh phúc hơn lúc đầu đến với thí nghiệm, tất cả chỉ nhờ thực hiện một hành động quan tâm giúp đỡ đơn giản. Đây là những dạng hành vi có tác động sâu sắc đến não bộ của chúng ta mà tiến sĩ Martin Seligman đã khám phá ra từ các nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học tích cực của ông.
Chúng ta có khả năng tái lập lại các kết nối mô thần kinh trong não bộ và tái lập lại cách suy nghĩ của chúng ta nhờ tiếp hợp các yếu tố rất rõ ràng trong cuộc đời — những điều như lòng trắc ẩn, hành động quan tâm giúp đỡ thường xuyên, thể hiện lòng biết ơn, xây dựng các kết nối sâu sắc và giàu ý nghĩa giữa người với nguười, sống giữa thiên nhiên, tập thể dục. Đó là những điều đơn giản mà tiến sĩ Martin Seligman xác định là có tác động sâu sắc tới trạng thái hạnh phúc cá nhân và trạng thái nội tâm của thứ mà tôi gọi là niềm vui. Một trong những điều ông ấy nhắc đến thực ra là điều quan trọng nhất và cũng là một trong những yếu tố có tính quyết định xây dựng lên trạng thái tâm lý tích cực và trạng thái vui thích của chúng ta. Đó là lòng biết ơn.
Lòng biết ơn có sức mạnh to lớn. Nếu các bạn lên mạng ngay bây giờ và Google, “Làm sao để thể hiện lòng biết ơn và có thêm nhiều sự biết ơn trong cuộc đời?,” các bạn sẽ nhận được rất nhiều gợi ý. Mọi người nói: “Bạn nên viết ra ba điều mình cảm thấy biết ơn vào mỗi tối, ví dụ như ‘Tôi có một mái nhà trên đầu và có giường để nghỉ ngơi.’” Có cả những ý tưởng khác nữa. Có một báo cáo mới công bố gần đây chỉ ra rằng chỉ 12 phút ghi chép lại các khía cạnh tích cực trong ngày cũng có tác động sâu sắc đến cảm giác về lòng biết ơn của bạn. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học và các ví dụ về những gì có thể giúp bạn thể hiện lòng biết ơn, đồng thời có thêm nhiều sự biết ơn trong đời.
Nhưng một điều mà rất nhiều người không nhận ra đó là thực ra việc thể hiện lòng biết ơn với người khác, với một con người khác, thực sự có tác động vô cùng to lớn tới não bộ của chúng ta, nhiều hơn so với việc chỉ nói to lên rằng: “Tôi biết ơn rằng đây là cuộc đời của tôi.” Thực ra việc thể hiện lòng biết ơn với người khác sẽ khiến mức độ hạnh phúc của chúng ta tăng lên đáng kể. Chúng tôi thực hiện một video cách đây không lâu; đó là một phần trong một series mà chúng tôi gọi là “Khoa học về Hạnh phúc.” “Khoa học về Hạnh phúc” là một series truyền hình, trong đó chúng tôi chọn ra một số lý thuyết về tâm lý học tích cực, một số lý thuyết vẫn thường được trích dẫn của Martin Seligman và sau đó thực sự kiểm chứng chúng trên những người thực. Họ không hề biết rằng chúng tôi đang thử nghiệm điều gì. Họ tới studio và chúng tôi tiến hành các thí nghiệm này. Đây là chương trình rất vui nhộn và mang tính giải trí.
Chúng tôi đã làm một số series: “Khoa học về Hạnh phúc,” “Khoa học về Tình yêu,” “Khoa học về Sự thấu cảm.” Nhưng có một tập đặc biệt được gọi là “Thí nghiệm về Lòng biết ơn.” Đó là một tập trong series “Khoa học về Hạnh phúc.” Những gì chúng tôi đã làm là đề nghị mọi người tới studio và nghĩ xem ai đã có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời họ. Tôi sẽ giới thiệu qua về những gì chúng tôi đã làm, sau đó xin đề nghị tất cả mọi người hãy cùng tham gia.
Xin hãy nhắm mắt lại và chỉ lắng nghe tiếng tôi nói. Tôi muốn các bạn nghĩ về một người trong đời có ảnh hưởng sâu sắc đến các bạn, một ai đó thực sự gây tác động đến cuộc đời bạn theo hướng tích cực. Có thể là người bạn đời của các bạn; có thể là cha mẹ, con cái, một người thày hay một người bạn. Hãy tưởng tượng người đó đang đứng trước mặt các bạn. Tưởng tượng rằng họ đang đứng ở đó và nghĩ về ba điều bạn muốn nói với họ để thể hiện lòng biết ơn vì vai trò của họ trong cuộc đời bạn. Hãy tưởng tượng bạn nói ra với họ ba điều này, nói to bằng lời. Hãy tưởng tượng nụ cười trên khuôn mặt họ. Giờ thì hãy mở mắt ra. Có bao nhiêu người ở đây có thể nghĩ tới ai đó?
Tôi thấy rất nhiều cánh tay giơ lên. Hầu hết chúng ta đều có một ai đó trong đời có ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta. Những gì chúng tôi đã làm trong video này là yêu cầu mọi người viết một lá thư thể hiện tất cả những gì các bạn vừa nghĩ tới. Họ viết điều đó ra trong một lá thư và thể hiện lòng biết ơn. Sau đó, ngay tại chỗ, chúng tôi đề nghị họ nhấc điện thoại lên, gọi cho người họ nghĩ tới và đọc lá thư đó lên. Có rất nhiều điều thú vị diễn ra trước máy quay. Ngay giờ đây tôi sẽ không yêu cầu các bạn nhấc điện thoại và gọi cho người mình nghĩ tới nhưng lý do tôi nói điều này đó là nếu đối tượng các bạn nghĩ tới vẫn còn sống và còn giữ liên lạc với bạn, tôi thật sự khuyến khích các bạn hãy biểu đạt suy nghĩ của mình với họ.
Khi chúng tôi đề nghị người tham gia trong video này nhấc điện thoại và đọc lá thư họ viết cho người thương yêu hoặc người có ảnh hưởng lớn trong đời họ, tất cả mức hạnh phúc của mọi người đều tăng lên. Trên thực tế, người ít hạnh phúc nhất khi bước vào đã có mức hạnh phúc nhảy vọt chỉ nhờ thực hiện bài tập này. Do đó tôi vô cùng khuyến khích tất cả các bạn hãy nghĩ về ai đó mình có thể nhắn tin, hoặc tốt hơn cả là nhấc điện thoại lên và gọi điện và thể hiện lòng biết ơn vì sức ảnh hưởng và vai trò của họ trong đời các bạn. Chỉ đơn giản thể hiện lòng biết ơn với người khác cũng có tác động to lớn lên trạng thái tâm lý tích cực của cá nhân các bạn.
Tôi sẽ bật một video thực sự thể hiện điều này. Đây là một video chúng tôi đã thực hiện với các giáo viên. Chúng tôi mời đến một nhóm giáo viên và nói: “Hãy kể cho chúng tôi về những thử thách trong nghề dạy học.” Các giáo viên bước vào và họ nói: “Anh cũng biết đó, lớp học quá lớn. Chúng tôi có những bậc phụ huynh trực thăng. Chúng tôi thậm chí không biết lũ trẻ có đang nghe chúng tôi nói. Chúng tôi thậm chí không biết liệu mình có tác động gì được đến chúng.” Các giáo viên đã nói về tất cả những thử thách mà họ gặp phải trong nghề dạy. Một điều họ không biết đó là thực ra chúng tôi đã mời một số học sinh cũ của họ tới và thể hiện lòng biết ơn của mình ngay tại đó.
Tôi sẽ bật clip về khoảnh khắc khi các sinh viên bước vào để các bạn có thể thấy được tác động này và rồi tôi sẽ nói cho các bạn biết chuyện gì xảy ra sau đó. [video]
Lý do tôi bật video này là vì rất hiển nhiên, khi các học sinh thể hiện lòng biết ơn của họ tới giáo viên, các giáo viên đã có phản ứng rất sâu sắc từ nội tâm. Các bạn có thể thấy cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt họ. Điều tôi thích ở video này đó là hai cậu bé trong đội bóng rổ mà các bạn vừa thấy thực ra là anh em và mẹ họ đã gọi cho nhà sản xuất của chúng tôi vài tuần sau khi chúng tôi quay phim và nói: “Anh biết đấy, tôi chỉ muốn nói là các con tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời khi được tham gia vào video, chúng đã về nhà và nói: ‘Con muốn viết thư cho tất cả các giáo viên có tác động tới con từ xưa tới giờ và con muốn nói với họ con biết ơn chừng nào.’” Vậy là ở đây, hai cậu bé tham gia trong bài tập này đã cảm thấy thật tuyệt, cảm thấy được kích thích khiến chúng muốn tiếp tục làm như vậy. Đó là tác động của việc thể hiện lòng biết ơn lên bộ não của riêng bạn. Tác động này vô cùng rõ rệt. Thể hiện lòng biết ơn với một người khác, so với việc chỉ nói miệng hoặc viết nó ra, có tác dụng thực sự to lớn lên não bộ của chúng ta.
Bí kíp thứ ba mà tôi muốn nói đến có liên quan đến khái niệm về những kết nối giàu ý nghĩa giữa người với người. Một lần nữa, một trong những điều mà tiến sĩ Martin Seligman và giới tâm lý học tích cực đã nhắc tới một chút đó là để có thể sống một cuộc đời tích cực và vui vẻ nhất, chúng ta thực sự cần phải có những kết nối giàu ý nghĩa với những người khác. Tôi vẫn thường được hỏi rằng: “Làm sao để làm được như vậy? Làm sao để thực sự tạo ra kết nối có ý nghĩa với một ai đó?” Tôi đã nhận ra khi sản xuất dạng content mà chúng tôi đang làm đó là có một công thức để tạo ra những kết nối có ý nghĩa giữa người với người. Để tạo ra kết nối giàu ý nghĩa giữa người với người, bạn cần phải có khả năng bị tổn thương. Bạn cần phải sẵn lòng chịu tổn thương với một người khác. Và cách để đi đến đó là trải qua một chút khó chịu bất an.
Chúng tôi liên tục đặt mọi người trong những tình huống lúng túng, buộc họ rơi vào cảm giác bối rối, khó chịu và cuối cùng sẽ dẫn tới khoảnh khắc mà họ trở nên yếu đuối về mặt tâm lý. Công thức này có thể được lặp lại ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời. Thật phi thường khi các bạn dành ra cho mình chút thời gian chỉ để khiến bản thân cảm thấy có chút không thoải mái và nhờ đó các bạn có thể thực sự kết nối với người khác. Nếu các bạn đến một bữa tiệc và ai đó làm điều gì đó hơi kỳ cục hoặc nói gì đó gây mất hứng, phản ứng đầu tiên của các bạn là gì? Các bạn đảo mắt nhìn quanh, cố gắng trao đổi ánh mắt với một ai đó. Kiểu như: “Anh/chị có thấy điều gì đang diễn ra không? Có ai khác cũng cảm thấy điều đó không?” Phải không? Bản năng tự nhiên của chúng ta là muốn tìm kiếm kết nối với người khác khi chúng ta cảm thấy không thoải mái.
Chúng tôi đã thực hiện một video không lâu trước đây. Video này được gọi là “Làm sao để kết nối với bất kỳ ai,” và nó được xây dựng dựa trên một bài báo trên tờ The New York Times gọi là “Để yêu bất kỳ ai, hãy làm điều này.” Bài báo được đăng vài năm trước đây do một nhà khoa học xã hội tuyên bố rằng ông có thể khiến hai người bất kỳ nào đó yêu nhau. Hai người bất kỳ nào đó yêu nhau. Tất cả những gì họ cần làm là trả lời 36 câu hỏi này và im lặng, nhìn thẳng vào mắt nhau liên tục trong 4 phút. Chỉ có vậy thôi. Đó là công thức. Nếu các bạn từng đọc được bài báo này và không còn độc thân, có lẽ các bạn đã gửi cho bạn đời của mình và yêu cầu họ cùng làm điều này với mình. Nhưng chúng tôi thì đọc bài báo này và nghĩ, Hẳm phải làm một video về điều này.
Chúng tôi mời tới một loạt các cặp đôi: một cặp đôi người xa lạ, một cặp đôi những người vừa mới hẹn hò, một cặp đôi những người mới cưới vài năm và thậm chí cả một cặp đôi những người đã bên nhau tới 60 năm. Bạn có thể thấy họ trên slide, những cặp đôi mà chúng tôi mời tới. Chúng tôi đã đề nghị họ im lặng, nhìn thẳng vào mắt nhau liên tục trong vòng 4 phút trước máy quay. Điều thú vị là tất cả các cặp đôi đều trải qua cùng một diễn biến. Trong 30 giây đầu tiên, tất cả các cặp đôi đều giống nhau, từng người cố gắng khiến người còn lại bật cười bởi việc nhìn vào mắt ai đó trong từng ấy thời gian là rất không thoải mái. Khi chúng ta cảm thấy không thoải mái, chúng ta cố gắng khiến mọi người cười. Do đó một số người làm mặt xấu và đủ các trò. Sau đó, sau chừng 30 giây, tất cả mọi người bỗng nhận ra: “Ôi, lạy Chúa. Bốn phút thực là dài.” Và rồi họ kiểu như thả lòng trên ghế, ngồi lui lại và chỉ nói: “Mình sẽ phải ở đây một lúc, vậy nên tốt nhất chấp nhận việc này.”
Sau đó, chắc chắn là vào cuối khoảng thời gian bốn phút, trong chừng 45 giây cuối gì đó, hầu như tất cả đều có phản ứng cảm xúc nhất định. Gần nửa số người tham gia rơi nước mắt. Mọi người cười lớn tiếng không ngừng. Một số người thể hiện nụ cười rạng rỡ trên mặt. Tất cả đều có phản ứng sâu sắc về mặt cảm xúc đối với bốn phút nhìn vào mắt nhau này. Cuối bài tập, chúng tôi hỏi cặp đôi đã ở bên nhau trong 60 năm về trải nghiệm của họ. Người chồng nói: “Em biết đấy, chúng mình đã lấy nhau được 60 năm và giữa lũ trẻ, công việc, các hóa đơn cũng như tất cả những thứ dồn ngập trong ngày, anh không nhớ được lần cuối mình nhìn vào mắt em là khi nào. Khi anh nhìn vào mắt em, anh chợt nhận ra anh cần em biết bao.” Đó thực sự là một khoảnh khắc yếu đuối dễ bị tổn thương đối với ông ấy, chỉ nhờ việc đặt ông vào một tình huống không hề thoải mái. Ngay cả cặp đôi là người xa lạ và chưa từng gặp nhau trước đó, sau khi nhìn thẳng vào mắt nhau trong bốn phút đã nói: “Tôi cảm thấy chúng ta nên đi bar uống bia cùng nhau. Đã nhìn vào mắt nhau tới bốn phút rồi cứ thế bỏ đi thì thật kỳ” và họ quả đã hẹn hò cùng nhau. Họ tới quán bar và cùng nhau uống bia bởi việc đặt mình vào trong khoảnh khắc không thoải mái có thể thực sự dẫn đến, và tạo ra, trạng thái mong manh về mặt tâm lý.
Một trong những điều chúng tôi nhận ra khi sáng tạo nội dung đó là những dạng kết nối có ý nghĩa như vậy có thể xuất hiện ở những nơi không hề ngờ tới. Đôi khi tôi nghĩ, loài người chúng ta thường tìm kiếm những người có cảm nhận giống như mình. Chúng ta tìm kiếm những người chúng ta hiểu, những người chúng ta có thể liên hệ tới bản thân mình và chúng ta nghĩ, Đương nhiên, tôi có thể tạo kết nối có ý nghĩa với người đó. Tôi sẽ có thể liên hệ tới họ bởi họ cũng giống như tôi. Họ cũng cảm thấy như tôi. Và điều chúng tôi thường xuyên bắt gặp khi sáng tạo nội dung đó là đôi khi những người trông rất khác biệt so với bạn lại có thể là một nguồn kết nối cực kỳ thú vị và khơi truyền cảm hứng.
Chàng trai này tên là Virgil. Virgil sống tại Houston, Texas tại Mỹ và khi cơn bão Harvey đổ bộ vào khu vực Houston đã gây ra rất nhiều lũ lụt và thiệt hại. Chàng trai trẻ này, một người rất lặng lẽ cùng giọng nói khẽ khàng, cuối cùng đã cứu sống được rất nhiều người trong cơn bão Harvey. Tôi sẽ bật một đoạn video nhỏ kể về câu chuyện của Virgil và tôi sẽ nói cho các bạn biết điều gì xảy ra sau đó. [video]
Virgin là một chàng trai trẻ tuyệt vời. Lý do tôi bật video này là bởi vì sau khi chúng tôi làm bộ phim này và tới trường cấp hai, bà hiệu phó, người các bạn đã thấy trong video, đã nói với chúng tôi trong quá trình quay phim rằng: “Chúng tôi không hề biết rằng Virgin đã làm điều này. Chúng tôi không hề biết rằng trong con người cậu bé ẩn chứa điều này. Cậu bé chỉ là một trong những đứa trẻ lẫn trong đám đông. Tôi dành hầu hết đời mình để tập trung vào những học sinh đạt thành tựu cao, những học sinh thể hiện xuất sắc hoặc những học sinh có nguy cơ bỏ học. Tôi đã dành hầu hết thời gian của mình cho những học sinh ở hai đầu cực và vẫn còn một nhóm các cô cậu bé ở giữa tôi đã bỏ qua. Cậu bé chỉ là một học sinh rất thường. Cậu bé hầu như luôn đến trường đầy đủ nhưng chỉ kiểu như ở giữa.” Và bà nói: “Tôi cảm thấy mình cần phải triển khai một phương thức ở trường, một con đường, để tôi có thể biết được những đứa trẻ ở giữa này quan tâm đến điều gì, chúng là ai và có gì chứa đựng trong con người chúng.” Bởi bà không hề biết được rằng có cả một người hùng nằm trong cậu bé 13 tuổi ở trường mình, một học sinh mà bà chưa từng dành sự chú ý đến.
Tôi nghĩ đây chính là những dạng nơi chốn bất ngờ tới mà tôi thường khuyến khích mọi người tìm kiếm khi họ nghĩ tới việc Làm sao để tôi có thể tìm được những kết nối có ý nghĩa? Chúng ta vẫn thường hỏi thăm nhau: “Bạn thế nào?” Phải không ạ? “Bạn thế nào?” “Hôm nay bạn thế nào?” Và phản hồi quen thuộc là “Tôi ổn. Tôi bận. Tôi bị căng thẳng.” Nhưng nhìn chung là tốt. Và phản ứng mặc định của chúng ta đó là đưa ra câu trả lời ngắn nhất, thoáng qua nhất có thể. Đôi khi cần tới một chút dũng khí, một chút cảm giác kỳ quặc, một chút mong manh để nói rằng, “Thật ra tôi không ổn lắm. Tôi đang phải trải qua một cuộc li dị và chẳng biết được điều gì sẽ xảy ra với lũ trẻ” hoặc “Tôi không chắc. Chồng tôi vừa bị mất việc và tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi. Tôi thực sự bị căng thẳng vì điều này.”
Một số người sẽ nhìn vào điều này và kiểu như: “Ồ. Có vẻ như nặng nề quá. Tôi cũng không biết phải làm sao.” Nhưng một số người sẽ nói: “Ồ. Quá tệ. Cùng nói về chuyện này đi vì tôi cũng đã có trải nghiệm tương tự.” Các bạn sẽ không bao giờ biết được những kết nối đó đến từ đâu. Chúng ta thường tìm kiếm ở các nhóm tương tự nhưng tôi nghĩ câu chuyện của Virgil cho chúng ta biết rằng mọi người có thể khiến chúng ta bất ngờ. Các kết nối thường đến từ những nơi thú vị và việc nhận ra điều này thực sự quan trọng.
Điều thứ tư mà tôi sẽ nói tới là cảm giác của các bạn về bản thân và tiếng nói của mình. Khi các bạn nghĩ về thế giới tâm lý học tích cực, một trong những điều khác mà chúng ta được dạy ngoài hành động quan tâm giúp đỡ, lòng biết ơn, tìm kiếm kết nối có ý nghĩa giữa người với người, tập thể dục thường xuyên — tất cả những điều tích cực có thể làm thay đổi cách não bộ phản ứng trong bất kỳ tình huống nào — đó là việc mà mỗi cá nhân chúng ta tìm được cảm giác về bản thân, cảm giác về mục đích, để tìm kiếm tiếng nói của chúng ta và thực sự có thể thể hiện con người mình. Đây là một điều vô cùng quan trọng.
Cách duy nhất để làm điều này trong những gì chúng tôi đã làm và đang làm về những người kể chuyện, về việc kể chuyện và sáng tạo content đó là con đường tốt nhất để tìm kiếm tiếng nói của bạn và con đường tốt nhất để thực sự kết nối với người khác cùng với cảm giác về mục tiêu của bạn, đó là thực sự tìm ra cách làm sao để kể câu chuyện của riêng bạn. Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi tin vào điều gì? Và tôi thực sự muốn làm gì, tạo ra gì và đóng góp gì trong thế giới này? Thực sự dành thời gian nghĩ về những điều này vì chính bản thân các bạn có thể mang lại những tác động sâu sắc tới cảm giác về bản thân, cảm giác về nhân dạng và cách các bạn chuyển dịch trong thế giới.
Có rất nhiều quy tắc quanh việc kể chuyện. Ở giới của tôi khi các bạn nghĩ về giải trí, có rất nhiều quy tắc trong phương thức kể chuyện truyền thống. Nếu các bạn đi học ở một nước nói tiếng Anh, các bạn hẳn đều đã thấy biểu đồ ở bên phải kia thể hiện rằng, “Một câu chuyện luôn phải có mở đầu, thân bài, kết thúc, các nhân vật và một đoạn cao trào” và bạn phải hoàn thành từng phần khi còn học ở trường. [hình ảnh] Một trong những người kể chuyện yêu thích của tôi trên thế giới này là Pixar. Tôi cho rằng Pixar là một người kể chuyện hoàn hảo. Có một cuốn sách tuyệt vời do người đứng đầu hãng Pixar, Ed Catmull, viết có tựa là “Creativity, Inc.” và tôi cực kỳ khuyến khích mọi người đọc nó bởi cuốn sách này thực sự viết về công việc sáng tạo và cách bạn khai thác được tính sáng tạo trong một môi trường kinh doanh.
Một trong những điều mà Pixar đã làm là hãng có rất nhiều nguyên tắc quanh việc kể chuyện và bài báo này, “22 nguyên tắc về kể chuyện theo Pixar,” các bạn có thể tìm nó trên mạng. Nội dung bài viết rất sâu sắc về tính đơn giản cũng như tính phức tạp của kể chuyện. Lý do tôi chia sẻ điều này là vì các nguyên tắc có ý nghĩa quan trọng khi các bạn kể chuyện. Các bạn là nhân vật, là người đóng vai chính trong câu chuyện của riêng mình và đôi khi chúng ta vẫn quên mất điều đó về cuộc đời mình, để có thể nói rằng: “Thực ra tôi là một ngôi sao. Tôi là tài năng chính. Tôi là ngôi sao lớn trên poster phim. Tôi là ngôi sao trong câu chuyện của chính mình và tôi cần phải biết cốt truyện của mình là gì, khởi đầu là gì, tôi hiện đang ở đâu trong phần thân truyện và kết cục tôi muốn có là gì cũng như làm sao để tôi có thể thực sự tạo ra kết thúc đó trong đời.” Chúng ta cần phải biết cốt truyện và câu chuyện của cuộc đời chúng ta để có thể thực sự sống có mục đích trong các quyết định của mình. Bất kỳ khi nào ra quyết định, bất kỳ khi nào nghĩ về điều gì đó mà chúng ta cố gắng đưa ra quyết định, chúng ta cần kiểm chứng lại với trực giác của mình. Điều chúng ta thực sự làm đó là đặt câu hỏi với bản thân mình, Liệu quyết định này, bước đi này trong toàn bộ quãng đời tôi có phải là một phần câu chuyện mà tôi muốn kể. Vậy còn khái niệm về tiếng nói và cách thực sự thể hiện câu chuyện — Làm sao tôi có thể thực sự thể hiện cảm giác về mục đích mà tôi đang có? Câu chuyện mà tôi đang có?
Chúng tôi dùng bộ lọc này. Đây là bộ lọc mà chúng tôi sử dụng khi tìm kiếm những người tham gia trong các video. Một trong các video mà chúng tôi thực hiện có tên là “That Moment (Khoảnh khắc ấy).” Đây là sản phẩm hợp tác với The Moth. Nếu các bạn không biết The Moth thì đây là một tập hợp những người kể chuyện. Họ du hành khắp cả nước, họ kể chuyện cho mọi người và họ là những người kể chuyện rất ấn tượng. Họ thực sự biết cách tạo ra cốt truyện. Chúng tôi hợp tác với họ và tạo ra một series gọi là “That Moment.” Những người kể chuyện được mời tới và kể về khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời họ: khoảnh khắc mà tôi nhận ra những gì cha mẹ đã làm cho tôi; khoảnh khắc mà tôi vượt qua sợ hãi; khoảnh khắc mà một bức ảnh đã khiến tôi tự do. Những khoảnh khắc rất, rất nhỏ có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời họ.
Đồ thị này thể hiện những gì chúng tôi tìm kiếm khi chúng tôi mời những người kể chuyện đó đến. [Hình ảnh] Chúng tôi tìm kiếm những người ở điểm giao này, những người sở hữu điều gì đó mà họ cho là rất tự nhiên đối với họ. Bạn có thể thực sự thấy được tính nguyên bản trong con người họ ở cách họ diễn tả điều đó. Đó cũng là điều gì đó mà họ cảm thấy không một ai khác với những trải nghiệm, nền tảng, câu chuyện tương tự như của họ sẽ nói ra. Điểm giao nhau đó chúng tôi gọi là “tiếng nói của bạn.”
Vậy nên ý tưởng về điều gì đó rất tự nhiên tôi với tôi để tôi có thể nói về nó, với câu chuyện của tôi, với khởi đầu của tôi, với vị trí của tôi hiện tại, nơi tôi muốn đến, điều gì mà tôi có thể diễn tả, nói chuyện và kết nối một cách thật tự nhiên, những điều mà không một ai có chung nền tảng và câu chuyện như tôi sẽ nói? Điểm giao đó, tiếng nói đó, là một tiếng nói thực sự mạnh mẽ cho phép chúng ta kiểm tra xem mình chuyển dịch trong thế giới này thế nào.
Tôi sẽ bật một video về một người mà tôi nghĩ là có cảm nhận rất rõ ràng về tiếng nói. Lý do tôi bật video này là bởi vì tôi nghĩ đây là một ví dụ rất thuyết phục về việc tiếng nói có thể làm được gì và nó có thể mang tới ánh sáng, giúp mội người hiểu được trải nghiệm của người khác thế nào. Một phần trong cuộc hành trình tạo ra các kết nối giàu ý nghĩa với người khác đó là việc có thể giúp đỡ họ thấu hiểu trải nghiệm của chúng ta, giúp người khác hiểu được chúng ta chuyển dịch trong thế giới thế nào và sau đó là kết nối với họ ở những khả năng nhất định.
Clip này là từ một series mà chúng tôi gọi là “That’s What She Said (Đó là những gì cô ấy nói.)” Nói thêm một chút, đây là câu nói trong bộ phim “The Office.” Nhưng series của chúng tôi không phải là những câu nói đùa “chúng ta.” Đây thực ra là về phụ nữ và vị trí của họ trên khắp thế giới. Chúng tôi mời những người phụ nữ tới, ngồi quanh một chiếc bàn tròn và cùng trò chuyện về việc là một người phụ nữ có ý nghĩa gì thời nay. Sau đó chúng tôi chèn hình ảnh những con người bình thường trên đường phố vào giữa các cuộc trò chuyện. Chúng tôi đi khắp nơi và hỏi những người phụ nữ bình thường trên phố để có được góc nhìn của họ về các chủ đề mà phụ nữ thường đối mặt như công việc, gia đình và tình yêu.
Có một ngày chúng tôi ở trên phố phỏng vấn mọi người và một người phụ nữ đã tới và nói: “Các anh đang làm gì vậy?” Chúng tôi đáp: “Ồ chúng tôi đang phỏng vấn mọi người để làm video. Chủ đề là về sắc đẹp và hình ảnh cơ thể. Chị có muốn tham gia không?” Cô ấy nói: “Cũng được. Thực ra tôi mới viết một bài thơ về sắc đẹp và hình ảnh cơ thể. Tôi có thể chia sẻ được không?” Chúng tôi nói: “Vậy hơi kỳ chút nhưng vâng, chị cứ chia sẻ với chúng tôi đi.” Thế là cô ấy đọc cho chúng tôi bài thơ ngay trên phố.
Nhà thơ ấy, Natalie Patterson, thật tuyệt vời. Nhưng cô ấy đã bỏ đi. Chúng tôi thì đứng đó và nói: “Thật tuyệt vời” theo đúng nghĩa đen. Sau đó chúng tôi mời Natalie tới tham gia vào tất cả các tập kế tiếp của chuỗi phim “That’s What She Said” bởi chúng tôi đã vô cùng xúc động trước bài thơ của cô ấy. Và đây chính là ví dụ về một người mà tôi nghĩ là có cảm nhận rất rõ ràng về tiếng nói. Cô ấy biết chính xác bản thân mình là về gì. Cô ấy cảm thấy rất tự nhiên khi nói về chủ đề đó và đó cũng là một điều mà cô ấy cảm thấy không một ai khác với cùng trải nghiệm, cùng xuất thân từ Midwest, cùng có làn da sáng màu, có thể nói đến. Điểm giao này vô cùng có sức mạnh và đó là điều tôi nghĩ áp dụng với cả các công ty ở khía cạnh chuyên nghiệp. Có một phong trào lớn hiện nay, đặc biệt trong giới doanh nghiệp Mỹ, hướng tới việc kinh doanh có mục đích.
Tôi cho rằng khi mọi thứ trên thế giới dần dần đều được nhìn nhận dưới góc độ hàng hóa, chúng ta sẽ không còn quan tâm liệu mình đánh răng với kem đánh răng của Colgate hay là Crest. Với bất kỳ loại hàng hóa gì, chúng ta chỉ mong Amazon hay Walmart có thể giao chúng thật nhanh và rẻ hết mức có thể. Trong một thế giới mà mọi thứ đều được nhìn nhận như một loại hàng hóa, tôi nghĩ sẽ có nhiều hơn nữa các công ty nói rằng: “Các bạn biết sao không? Chúng ta cần có một cảm nhận rõ ràng về mục đích. Chúng ta cần có tiếng nói rõ ràng và biết mình ủng hộ điều gì cũng như sứ mệnh của công ty là gì. Nếu không làm được điều này, chúng ta thực sự sẽ trở nên lỗi thời chỉ trong vòng vài năm nữa.”
Lời nói này vang dội ở mọi cấp bậc. Larry Fink là chủ tịch của BlackRock, hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới mà hẳn là nhiều bạn đã biết. Năm nào ông cũng viết một lá thư tới cho tất cả các CEO và giám đốc điều hành của các công ty trong danh mục đầu tư của hãng. Ông gửi thư vào tháng một hàng năm. Vào tháng một năm 2018, ông gửi đi một lá thư với nội dung như sau: “Xã hội hiện đang đòi hỏi các doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân, phải phụng sự vì mục tiêu xã hội.” Ông viết điều này trong thư và gửi nó đi, sau đó suốt cả năm 2018, người ta nói về việc Larry Fink nói vậy là có ý gì. Ông ấy nghiêm túc sao? Hay đó chỉ là lời nó bâng quơ? Đó là thực sao?
Ông tiếp tục gửi thư vào năm 2019 và toàn bộ lá thư (lần này) là về mục đích. Ông nói rằng nếu các công ty không gắn kèm mục đích trong sứ mệnh của mình, họ sẽ bị lỗi thời và ông ấy cùng BlackRock sẽ không tiếp tục ủng hộ họ. Việc có được cảm nhận về mục đích là vô cùng quan trọng đối với chúng ta ở vị thế là một cá nhân cũng như là một con người. Nhưng nó cũng cực kỳ thiết yếu đối với các doanh nghiệp và trong cuộc sống chuyên môn. Với tất cả những tác động thay đổi đang đè nặng trên đôi vai chúng ta, việc hiểu được tương lai sẽ biến đổi thế nào ngày càng trở nên quan trọng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là tầm quan trọng của việc bắt đầu ngay từ hôm nay. Khi nói về hành trình đi tới niềm vui, hành trình mang tới nhiều khía cạnh tâm lý tích cực cho cuộc sống, chúng ta đã nói về rất nhiều ý phải không? Chúng ta đã nói về hành động quan tâm giúp đỡ, lòng trắc ẩn, lòng biết ơn, các kết nối giàu ý nghĩa giữa người với người và sự yếu đuối cần thiết để đạt được điều này, cũng như cảm nhận về bản thân và nhân dạng, cùng tiếng nói bạn cất lên cho chính bản thân mình. Có rất nhiều yếu tố cần thiết để đạt được nhiều niềm vui hơn và trạng thái tâm lý tích cực trong cuộc sống. Việc này cũng cần cố gắng bởi thực tế là chúng ta không thể chỉ viết ra ba lá thư, ba điều chúng ta biết ơn hay nghĩ về những người có ảnh hưởng tới chúng ta, gửi một tin nhắn rồi nói: “Xong. Tôi đã thực hiện lòng biết ơn trong năm.”
Chúng ta không thể chỉ tới nhà bếp phục vụ đồ ăn cho người vô gia cư vào mỗi Giáng sinh hoặc lễ Tạ ơn để hoạt động tình nguyện trong một ngày rồi nói: “Xong. Tôi đã thực hiện một hành động quan tâm chăm sóc.” Không may là để có thể có hiệu quả thì những việc làm này cần trở thành một thói quen. Và khi một việc gì đó cần trở thành một thói quen, điều đó có nghĩa là các bạn phải thực hiện nó mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là chấp nhận bỏ bớt thời gian dành cho việc khác để tập trung vào nó.
Tôi khuyến khích các bạn thực sự bắt đầu ngay từ hôm nay bởi những việc này có thể rất khó khăn. Nó có thể đáng sợ. Nó có thể mất thời gian. Nó có thể khiến các bạn cảm thấy choáng ngợp khi nghĩ về tất cả những gì chúng ta phải làm để có được tâm lý tích cực trong cuộc sống. Nhưng khi các bạn nghĩ về nó, nếu các bạn gặp khó khăn thì cách nhìn nhận của bạn có thể tạo ra sự khác biệt to lớn. Cách các bạn phản ứng trước một tình huống thực sự có thể quyết định cảm nhận của các bạn về nó trong suốt quãng đời còn lại.
Do đó, đây là một vấn đề vô cùng, vô cùng quan trọng mà tôi khuyến khích các bạn nên bắt đầu từ ngay hôm nay. Một sự thực là cuộc đời này rất trân quý và thời gian của chúng ta thì giới hạn. Tôi muốn bật lên một video cuối cùng này để nhắc nhở chúng ta tại sao việc bắt đầu ngay từ hôm nay lại vô cùng quan trọng. Chàng trai trẻ này là Zach Sobiech, cậu chỉ mới 17 khi bị chẩn đoán mắc bệnh u xương ác tính. Đó là một dạng ung thư xương. Tôi sẽ bật một video cho các bạn thấy được hành trình của Zach. Và tôi sẽ nói điều gì diễn ra sau đó. [video]
Lý do tôi bật video này đó là đây là một trong những tập phim đầu tiên của một series phim mà chúng tôi gọi là “My Last Days (Những ngày cuối của tôi.)” Đây là một chương trình về những người mắc bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Tôi biết các bạn đang nghĩ gì. Các bạn đang nghĩ, Cái người này đã nói về niềm vui cả ngày nay và làm sao để có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Vậy cái này thì liên quan gì đến niềm vui cơ chứ? Sự thực là tất cả chúng ta đều chỉ có lượng thời gian giới hạn trên trái đất và có những người nhất định đã bị bệnh tật rút ngắn khoảng thời gian của đời mình. Chúng tôi cho rằng trong cách họ lựa chọn sống những ngày cuối đời, sẽ có những bài học vô cùng sâu sắc giúp các bạn học được cách làm sao và nên đặt mối ưu tiên gì. Các bạn sẽ nghĩ về cuộc đời mình ra sao khi có lượng thời gian ngắn ngủi hơn so với mọi người? Chúng tôi thực sự nghĩ rằng đó là những câu chuyện quan trọng để kể.
Vậy nên chúng tôi đã thực hiện series “My Last Days,” chúng tôi đăng chúng lên mạng và có tới 100 triệu lượt xem. Tập phim của Zach được lan truyền nhanh chóng. Chúng tôi có cả những người nổi tiếng chia sẻ và tweet về nó. Chúng tôi đã quyết định mời họ cùng tới để hát nhép theo bài hát của Zach, bài hát mà các bạn đã thấy trong video, “Clouds (Những đám mây.)” Kết quả là chúng tôi hợp tác với Rock the Cause và mỗi lượt tải về bài hát của Zach từ video này sẽ được quyên góp. Số tiền thu được sẽ được ủng hộ cho các nghiên cứu về u xương ác tính. Chúng tôi đã gây quỹ được gần 750 nghìn đô-la cho các nghiên cứu về u xương ác tính.
Câu chuyện của Zach thực sự cho thấy sức mạnh của thời gian, thời gian quan trọng chừng nào, trân quý chừng nào và chúng ta có thể lựa chọn sử dụng thời gian của mình một cách thông thái ra sao. Chương trình này đang được tiếp tục. Hiện chương trình được phát trên CW và đã thực hiện tới mùa thứ năm. Câu chuyện của Zach thực sự diễn tả tầm quan trọng của thời gian.
Do đó khi tôi nói tôi muốn các bạn bắt đầu từ ngay hôm nay, bắt đầu công việc nhằm có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống và khi chúng ta bị tràn ngập trong những bất an, trầm cảm và sự cô đơn, đây thực sự là một hành động phản kháng để nói rằng: “Tôi sẽ chọn ngày hôm nay để dành thêm nhiều thời gian tập trung vào những việc mang đến nhiều niềm vui cho cuộc đời mình.” Điều này cần tới thời gian và nỗ lực. Tôi sẽ kết thúc bài nói chuyện với hai điều: một câu trích dẫn và một hoạt động. Điều thứ nhất là một câu trích dẫn. Đây là câu trích dẫn ưa thích nhất của tôi. Tôi thường kết thúc mọi bài nói chuyện với câu trích dẫn này. Đó là “So sánh là kẻ trộm niềm vui.” Câu nói được cho là của Teddy Roosevelt, tổng thống Mỹ. “So sánh là kẻ trộm niềm vui.”
Nếu các bạn muốn tìm con đường nhanh nhất giúp làm cạn kiệt niềm vui của bản thân, hãy so sánh chính mình với người khác. So sánh cuộc đời của bạn, trải nghiệm của bạn, nơi bạn đang đứng trong quãng đường phải đi, bạn thành công chừng nào, bạn trông thế nào, có ai trong đời bạn và ai thì không. Các bạn hãy so sánh những điều này với trải nghiệm của người khác và đó là cách nhanh nhất để làm cạn kiệt niềm vui. Đó cũng là điều mà bản thân tôi gặp khó khăn, vì vậy tôi vẫn luôn nói về nó. So sánh. Chúng ta là con người với những bản tính tự nhiên. Chúng ta được mã hóa để suy nghĩ về nhóm, để thuộc về đâu đó và để quan sát khi ở bên những người khác. Nhưng khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta chỉ làm cạn kiệt đi khả năng tìm kiếm niềm vui. Vậy nên tôi muốn chia sẻ với các bạn điều này.
Điều cuối cùng đó là tôi muốn tất cả chúng ta cũng tham gia một hoạt động nhỏ. Tôi sẽ đứng rất yên lặng ở ngay đây. [hình ảnh] Tôi sẽ đề nghị mọi người cùng giơ ngón tay cái lên. Giơ ngón tay cái dành cho tôi. Được không ạ? Tôi muốn các bạn hãy nhắm một mắt và che tôi đi bằng ngón tay cái của các bạn. Chắn tôi lại. Tôi sẽ không dịch chuyển đâu. Được rồi. Khi tôi đếm đến ba, các bạn sẽ đổi bên mắt nhắm và mở.
Sẵn sàng chưa ạ? Một, hai, ba, đổi. Xin chào. Tôi kiểu như bật ra trước mắt phải không ạ? Tôi kiểu như bật ra từ sau ngón tay cái của các bạn. Lý do tôi đề nghị các bạn làm bài tập nhỏ này là vì tất cả những gì các bạn đã làm chỉ là đổi bên mắt nhắm và mở. Đó là sự chuyển đổi nho nhỏ về góc nhìn của các bạn. Các bạn chỉ cần đổi bên mắt nhắm và mở. Chỉ một chút thay đổi nho nhỏ về cách nhìn đã giúp các bạn thấy được những gì vốn bị chặn lại. Tôi đã bị che đi, nhưng khi các bạn đổi bên mắt, các bạn đột nhiên nhìn thấy điều mình không hề thấy trước đó.
Những điều tôi đã nói tới, những yếu tố làm nên tâm lý học tích cực, hành động biết ơn và quan tâm giúp đỡ, lòng trắc ẩn, các kết nối giàu ý nghĩa giữa người với người, mang tới nhiều năng lượng tích cực vào cuộc sống, thể hiện niềm vui với người khác, thể hiện lòng biết ơn với người khác và tạo ra các kết nối có thể giúp bạn tìm thấy tiếng nói cũng như cảm giác về bản thân. Tất cả nghe có vẻ như lớn lao nhưng chỉ chút một thôi cũng giúp các bạn thay đổi góc nhìn và cách tiếp cận trong cuộc sống. Chúng cũng giúp các bạn thay đổi góc nhìn về cách các bạn tương tác với thế giới và cách các bạn phản ứng trong mọi tình huống mình gặp phải, dù tốt hay xấu.

Shabnam Mogharabi có trên 15 năm kinh nghiệp xây dựng công ty khởi nghiệp và các tổ chức, tập trung vào nội dung kỹ thuật số, nền tảng xã hội và phương tiện truyền thông mới. Cô hiện là CEO của SoulPancake, một công ty giải trí truyền cảm hứng mà cô cùng sáng lập với diễn viên Rainn Wilson. Hàng ngày công ty tạo ra các đoạn video tích cực, xây dựng nhận thức xã hội về kết nối con người. Trong vai trò của một CEO, cô chịu trách nhiệm lãnh đạo tầm nhìn của công ty và thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty vượt mốc cộng đồng người hâm mộ trực tuyến hiện tại là 10 triệu người với hơn 1 tỷ lượt xem video.