
Cần có phép màu để tạo các mối quan hệ cố vấn không bài bản, nhưng cần có nghệ thuật và khoa học để có các mối quan hệ cố vấn bài bản. Khi bạn vận dụng nghệ thuật và khoa học các kết quả sẽ tăng trưởng đột biến, và sự tiến bộ đó có thể đo lường được và bạn tự tạo được. Việc cố vấn bài bản và có cấu trúc đòi hỏi sự chủ tâm và tập trung, và các nỗ lực này sẽ cho kết quả đáng kể.
Lợi ích ba mặt của cố vấn
Người ta thường cho rằng cố vấn chỉ mang lại lợi ích duy nhất cho người được cố vấn. Một điều đã được thừa nhận là người được cố vấn nhận được nhiều lợi ích từ việc cố vấn nhưng chúng ta cần biết việc cố vấn cũng cực kỳ có lợi cho người cố vấn. Ngoài sự thỏa mãn từ việc cho đi, các nghiên cứu chỉ ra người cố vấn còn cải thiện các kỹ năng và khả năng của bản thân, thu được góc nhìn giá trị và có năng lực hơn về văn hóa cũng như nhiều điều khác. Cố vấn cho các tư vấn viên tài chính tại MDRT có một lợi ích thứ ba nữa - lợi ích của nghề. Cố vấn tạo ra một cảm giác gắn kết, thúc đẩy tính sáng tạo, tạo lập cộng đồng và lan tỏa kết quả. Càng nhiều thành viên MDRT thúc đẩy và tham gia vào văn hóa cố vấn chúng ta càng tạo ra thêm nhiều lợi ích ba mặt hơn.
Bốn giai đoạn của mối quan hệ cố vấn
Cố vấn hiệu quả phải qua bốn giai đoạn dự tính như sau. Mặc dù những mối quan hệ cố vấn tốt có thể bỏ qua một hai giai đoạn nhưng các mối quan hệ cố vấn hiệu quả đều cần trải qua từng giai đoạn một. Nếu bạn đang muốn tạo ra các kết quả có thể đo lường được trong mối quan hệ cố vấn thì bốn giai đoạn này đều quan trọng. Hơn nữa, khi các mối quan hệ cố vấn thất bại hoặc rơi xuống đáy, thường chúng ta có thể chỉ ngay ra nguyên nhân là do đã đốt cháy một vài giai đoạn. Hãy nhớ rằng các giai đoạn phải theo thứ tự nhưng đôi khi đôi bạn cố vấn sẽ đi ngược chu kỳ và xem xét một giai đoạn ưu tiên.
- Giai đoạn đầu tiên là Chuẩn bị. Giai đoạn này thậm chí bắt đầu trước khi bạn gặp người bạn cố vấn của mình. Ở giai đoạn này, người cố vấn và người được cố vấn sẽ suy nghĩ về các lý do của việc cố vấn và những điều họ muốn và giả định về việc cố vấn. Khi họ mới gặp, họ sẽ cần thời gian để tìm hiểu lẫn nhau và xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm và để có thể chia sẻ thoải mái và tạo một môi trường học hỏi an toàn.
- Giai đoạn hai là Đàm phán. Ở giai đoạn này, đôi bạn cố vấn cùng nhau thiết lập các giới hạn của mối quan hệ cố vấn. Họ sẽ thảo luận các tham số và ranh giới của mối quan hệ cố vấn, các nguyên tắc cơ bản trong tương tác và hiểu được họ sẽ hoạt động thế nào trong sự bảo mật và thời gian duy trì quan hệ cố vấn.
- Giai đoạn ba là Tạo điều kiện Phát triển, trong đó người cố vấn và người được cố vấn cùng thiết lập các mục tiêu học hỏi và đề ra các thành tựu cần đạt cho người được cố vấn.
- Giai đoạn cuối cùng là Tổng kết. Vào giai đoạn tổng kết mối quan hệ, đôi bạn cố vấn sẽ nhìn lại quãng thời gian của mối quan hệ, ăn mừng các thành tựu đạt được, thể hiện sự trân trọng và quyết định liệu và làm thế nào họ tiếp tục mối quan hệ.
Làm thế nào tìm và chọn được người tư vấn đúng cho bạn - ĐIỀU GÌ rồi đến Ở ĐÂU hay AI
Trước khi xác định AI sẽ là người cố vấn hay lo nghĩ tìm người cố vấn Ở ĐÂU, người muốn được cố vấn trước hết phải xác định họ muốn học ĐIỀU GÌ. Cuối cùng, cố vấn là một mối quan hệ tập trung vào học hỏi, và nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào sự lôi cuốn, sự phù hợp hay tính tương đồng, việc học có thể trở thành thứ yếu.
Khi người muốn được cố vấn đã xác định được mục tiêu học hỏi của mình, họ nên bắt đầu bằng việc xác định ai có thể là người phù hợp cho mục tiêu học hỏi đó. Người đó cần có các phẩm chất gì? Cần kinh nghiệm gì?
Dù có thể tìm được người cố vấn ngay trong tổ chức mình làm, người được cố vấn có thể thấy không thoải mái khi chia sẻ các điểm yếu của mình nếu đó là mối quan hệ cấp trên hoặc khi các vấn đề chính trị công sở xen vào. Các hiệp hội như MDRT, do đó, là nơi lý tưởng để tìm người cố vấn vì họ có các chương trình cố vấn và đào tạo hướng dẫn bạn xuyên suốt con đường đó cũng như cho bạn cơ hội tạo ra mối quan hệ bên ngoài với người trong cùng nghề.
Khi đã xác định được người có thể phù hợp, người được cố vấn nên tiếp cận với người cố vấn giống như cách họ làm khi xây dựng mạng lưới khách hàng hoặc người giới thiệu. Trước hết, hãy xây dựng mối quan hệ. Sau đó, hãy xem việc hợp tác có ổn thỏa không. Thay vì hỏi ngay vào việc cố vấn, một vấn đề có thể khiến người ta cảm thấy khó hình dung và mơ hồ, người được cố vấn có thể hỏi người cố vấn tiềm năng để hiểu thêm về lĩnh vực mà người cố vấn đặc biệt thành thạo. Sau một vài buổi trò chuyện, nếu đó có vẻ là một ý tưởng tốt, hãy đề nghị xây dựng mối quan hệ cố vấn.
Tạo ra buổi trao đổi có chất lượng trong mối quan hệ cố vấn: Sáu buổi trao đổi căn bản mà đôi bạn cố vấn cần có để bắt đầu một mối quan hệ vững bền
Có sáu buổi trao đổi mà tất cả các đôi bạn cố vấn cần có để thiết lập một mối quan hệ cố vấn vững bền.1
- Xây dựng quan hệ. Trước khi đi sâu vào học hỏi, người cố vấn và người được cố vấn phải dành thời gian để tìm hiểu lẫn nhau. Do trao đổi có chất lượng chỉ nảy nở trong một môi trường an toàn và tin tưởng nên việc dành thời gian để thiết lập sự tin tưởng và hiểu về nhau nhiều hơn là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự chủ tâm và cởi mở khi chia sẻ cả từ người cố vấn và người được cố vấn. Việc xây dựng mối quan hệ sẽ được duy trì và phát triển qua nhiều lần gặp gỡ.
- Thiết lập các thỏa thuận cố vấn Ở buổi trao đổi này, đôi bạn cố vấn cùng nhau tạo dựng mối quan hệ cố vấn. Họ nói về các kỳ vọng và giả định và thiết lập các nguyên tắc cơ bản cho mối quan hệ.
- Lập mục tiêu. Ở buổi trao đổi này, người cố vấn và người được cố vấn thống nhất các mục tiêu học hỏi của người được cố vấn. Điều này sẽ giúp họ tập trung khi thảo luận và là trọng tâm của các buổi trao đổi trong suốt mối quan hệ. Trong nhiều trường hợp, “buổi trao đổi” này sẽ kéo dài trong một vài lần gặp mặt.
- Tạo các cơ hội học hỏi. Trong suốt mối quan hệ cố vấn, người cố vấn và người được cố vấn nên tìm cách thử những điều mới và bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Điều này đòi hỏi người cố vấn phải đặt thách thức cho người được cố vấn và không ngừng đưa ra ý kiến đóng góp.
- Quản lý các chướng ngại. Điều quan trọng là đôi bạn cố vấn phải góp ý cho nhau về chất lượng mối quan hệ để mối quan hệ có thể phát triển và tiếp tục là một khoản đầu tư hiệu quả cả về thời gian lẫn công sức. Đôi bạn cố vấn cần dành một thời gian để thảo luận mối quan hệ đang diễn ra thế nào và điều gì cần phải được cải thiện. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để nhìn lại các thỏa thuận đặt ra lúc khởi đầu mối quan hệ.
- Tổng kết. Buổi trao đổi tổng kết cần có chủ đích và được kiểm soát. Đôi bạn cố vấn nhìn lại thời gian song hành cùng nhau, suy ngẫm lại các thành tựu và quyết định xem có nên tiếp tục không. Các buổi trao đổi tổng kết cần thực hiện vào cuối mỗi năm, bất kể là đôi bạn chọn tiếp tục mối quan hệ hay không. Buổi trao đổi sẽ nói về việc kết thúc giai đoạn cố vấn đó, không nhất thiết là về việc kết thúc mối quan hệ.
Endnote
- Trích dẫn từ cuốn “Starting Strong: A Mentoring Fable (Khởi đầu Mạnh mẽ: Câu chuyện Cố vấn)” của Lois J. Zachary & Lory A. Fischler (San Francisco: Jossey-Bass, 2014).

Lisa Fain là Tổng giám đốc của Trung tâm Center for Mentoring Excellence và là chuyên gia trong lĩnh vực giao thoa giữa năng lực văn hóa và công việc cố vấn. Fain mang theo năng lượng, lòng nhiệt tình và sự tương tác của mình đến bất kỳ nhóm nào, giúp các buổi hội thảo và tập huấn trở nên sôi động. Qua các bài nói chuyện tương tác cô cung cấp các bước đi thực tế dễ dàng áp dụng ngay lập tức. Cô cũng đã thành lập ban Vista Coaching, thuộc Trung tâm Center for Mentoring Excelence. Ban này cung cấp dịch vụ cố vấn cho các nữ chuyên gia đang tìm cách thiết kế và sống cuộc sống tốt đẹp nhất.