
Có vẻ như đây là khởi đầu của một câu chuyện thương tâm: Một người con đã trưởng thành muốn cha mẹ già dọn đến ở chung, để họ giúp cha mẹ sống thoải mái những năm cuối đời.
Nhưng anh Travis D. Manning, CFP, CLU, thấy dấu hiệu cảnh báo, chính xác là về những gì sẽ được chi tiêu: quỹ hưu trí của khách hàng. Trong trường hợp cụ thể này, khách hàng cho cô con gái tiền để mở rộng thêm căn nhà của cô, nơi ông sẽ đến ở. Thành viên MDRT 12 năm đến từ Caledonia, Ontario, Canada, khuyên bỏ ý tưởng đó, khi hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu họ không chăm sóc ông, nếu ông cần chăm sóc đặc biệt mà họ không thể đáp ứng thì sao? Chúng ta sẽ chi trả cho việc đó thế nào?
Khách hàng chắc chắn con mình sẽ trang trải chi phí nên trả tiền sửa nhà. Nhưng chỉ sau một năm rưỡi, Manning cho biết khách hàng và con gái ông ấy đã có bất hòa lớn và khách hàng bị đuổi ra khỏi nhà. “Bây giờ cô con gái có được ngôi nhà lớn hơn và hai người con khác thì không được thừa hưởng gì từ người cha,” Manning kể lại. “Đó là một trường hợp cực đoan, nhưng chúng tôi nhắc đến vì đã chứng kiến chuyện đó xảy ra.”
Có nhiều trường hợp thúc đẩy cha mẹ giúp con cái đã trưởng thành về mặt tài chính — ví dụ các trường hợp khẩn cấp hoặc nhu cầu về y tế — nhưng cũng có những tình huống ít cấp thiết hơn nhiều mà vẫn dẫn đến hệ quả to lớn. Tư vấn viên phải lèo lái qua các cung bậc cảm xúc trong những tình huống như vậy, khi khách hàng biện minh cho việc chuyển giao tài sản sớm:
“Lúc này, lũ trẻ cần tiền hơn chúng tôi.”
“Tôi muốn thấy lũ trẻ hưởng thụ tiền bạc khi mình vẫn sống và khỏe mạnh.”
“Tôi thấy rất tệ khi nói không với chính con mình.”
Tư vấn viên không chỉ phải nhắc lại sự thật phũ phàng — bạn không bao giờ biết tương lai sẽ đi về đâu — mà còn có nhiệm vụ giúp khách hàng nhận ra điều này sẽ đưa họ đến phá sản. Tuy nhiên, thà hôm nay bị dằn vặt một chút còn hơn ngày mai gặp toàn điều khó chịu, thậm chí còn bị mất chỗ ở.
59% CHA MẸ CHI TRẢ TIỀN HỌC CHO CON CÁI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH
Tránh bị phụ thuộc
Dù không công bằng khi đánh giá chung về một nhóm người, nhưng có thể rút ra một số xu hướng tài chính từ vài thế hệ cụ thể. Như Manning đã nhận thấy, nhiều người lớn tuổi từng sống qua thời kỳ khó khăn về kinh tế như cơn Đại Suy thoái, có bản năng bẩm sinh tiết kiệm tiền cho tương lai. Người khác có thể không có trải nghiệm sâu sắc như vậy để tằn tiện và tiết kiệm, do đó họ không có cá tính này — nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên làm thay cho con cái.
Tư vấn viên thường xuyên nên nhắc nhở khách hàng rằng giải quyết vấn đề thay cho con cái không phải là cách tốt nhất để giúp con cái về lâu về dài. Giúp đỡ con cái trưởng thành về mặt tài chính sẽ tạo tính ỷ lại khó mà thoát ra được.
Chị Sunny Istar Lee, thành viên MDRT 11 năm, đến từ Los Angeles, California, Hoa Kỳ, kể: “Rất nhiều khách hàng lớn tuổi của tôi, đang bước vào hoặc đã nghỉ hưu, gặp vấn đề này với con cái đã trưởng thành, những người không thực sự hiểu về tài chính hoặc chịu trách nhiệm về tài chính, nên họ tiếp tục dựa dẫm vào cha mẹ. Cha mẹ, thực sự không hiểu được hậu quả, trở thành ngân hàng ba và mẹ cho con cái.”
Một báo cáo toàn cầu năm 2017 của Ngân hàng quốc tế Anh, HSBC, cho thấy 50% người có con trên 18 tuổi vẫn thường xuyên hỗ trợ con cái về tài chính. Báo cáo phát hiện 48% trong số này đã và đang cho con tiền trong hơn 12 năm, tức khi con họ đã trên 30 tuổi.
Tiền được tiêu vào việc gì? Báo cáo của HSBC cho thấy cha mẹ trả tiền học cho con (59%), trang trải cuộc sống hàng ngày như hóa đơn tiện ích, nhu yếu phẩm và sửa nhà (49%), chăm sóc y tế và nha khoa (33%), tiền thuê nhà và chi phí liên quan khác (27%). Thậm chí 27% còn trả tiền nghỉ dưỡng cho con.
“Tôi biết bạn đang cố gắng giúp đỡ con cái, nhưng chúng phải tự lập,” Manning khuyên các bậc cha mẹ. “Có khi con cái đến 40 hoặc thậm chí 50 tuổi vẫn còn xin tiền cha mẹ. Vấn đề là khi đã cho tiền thì khó mà ngừng lại được. Bạn đồng ý một lần, rồi khi nào thì bắt đầu nói không?”
49% CHA MẸ CHI TRẢ CHI PHÍ CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CHO CON CÁI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH
Như Lee chỉ ra, cha mẹ không thể thay tã tài chính cho con mãi được, tư vấn viên có thể giúp hối thúc khách hàng phá vỡ sự lệ thuộc của con cái họ. Lee nói chị khuyên khách hàng cho con cái cơ hội trở nên độc lập — dù thành công hay thất bại. Chị khuyến khích: “Giúp con cái thực sự có trải nghiệm và cuộc sống riêng của mình. Hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình — đó là cách tuyệt vời để trao quyền cho con cái.”
Có thể không làm thẳng thừng như ngừng gửi tiền, nhưng chị Lee — hàm ý đến câu ngạn ngữ dạy người nghèo câu cá, thay vì cho họ cá — nói dạy mọi người cách thành công về mặt tài chính sẽ có tác động lâu dài. Chị kể rằng một trong số khách hàng của chị đưa cậu con trai đã trưởng thành đến văn phòng sau khi cậu ấy tốt nghiệp đại học. Chị Lee đã dùng kế hoạch tài chính của người mẹ làm ví dụ về cách chuẩn bị và lên kế hoạch trước cho tương lai không chắc chắn, điều đó đã có tác động lên người con. “Cậu ấy muốn về sau cũng làm được như mẹ mình khi về già,” chị Lee cho biết.
Giữ cho cha mẹ và con cái sống tự chủ
Không ai thực sự biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng tư vấn viên có thể giúp gia đình hiểu được các khả năng có thể xảy ra. Và quan trọng hơn, họ có thể giải thích hành động hôm nay sẽ tác động thế nào lên công cụ bạn sẽ có để xử lý tình huống trong tương lai.
Đáng để lưu ý rằng điều ngược lại cũng có thể đúng khi liên quan đến tình hình tài chính gia đình: Đôi khi khách hàng lớn tuổi tính rằng con cái trưởng thành có thể đóng góp tiền bạc khi họ già đi, nhưng họ không nên đưa yếu tố này vào việc hoạch định của mình.
“Tôi nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng chỉ có sự thật mới là điều chắc chắn: Chi phí trang trải cuộc sống chỉ ngày càng đắt đỏ thêm,” Delia Hui Wong, thành viên MDRT 10 năm đến từ Singapore, chia sẻ. “Nhiều khi con cái của họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý chi tiêu cho cuộc sống của mình. Trách nhiệm tài chính của con cái họ cũng ngày càng tăng cao, như khi bắt đầu xây dựng gia đình. Do đó, họ chỉ nên trông cậy vào bản thân mình, chứ không phải vào con cái.”
33% CHA MẸ CHI TRẢ PHÍ CHĂM SÓC Y TẾ VÀ NHA KHOA CHO CON CÁI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH
Manning kể khi khách hàng nói họ thấy tội lỗi vì không cho con cái nhiều tiền hơn, anh đã xoay chuyển cảm giác tội lỗi đó: Chắc chắn rồi, hôm nay bạn có thể cho con cái nhiều tiền hơn — nhưng bạn có muốn sau đó là gánh nặng về tài chính trong tương lai không, khi không còn tiền để vào nhà dưỡng lão hoặc cho chăm sóc y tế?
Wong kể cách chị đối phó với tâm lý so sánh của khách hàng nếu họ chứng kiến người người khác cho con cái tiền: “Tôi cố gắng xác nhận thực tế rằng, là cha mẹ, trách nhiệm của họ là chu cấp cho con cái.” Nhưng chị thận trọng chống lại việc hỗ trợ bằng một khoản tiền cụ thể. “Không khi nào họ nên so sánh với bậc cha mẹ khác, vì mỗi người có khả năng và phương tiện tài chính khác nhau.”
Tư vấn viên có thể sắp xếp cho cả gia đình thảo luận để làm rõ trong tương lai tiền cần được phân bổ vào đâu để tránh việc tiêu xài quá sớm và gặp khó khăn về tiền bạc trong tương lai.
“Tôi sẽ nói: ‘Được rồi, nếu cha mẹ các bạn phải vào nhà dưỡng lão, bạn có muốn cha mẹ ở nhà của chính phủ với tiện nghi tối thiểu và ở chung với người khác, hay bạn muốn họ có phòng riêng của mình?’” Manning kể lại. “Và con cái họ nói: ‘Tất nhiên là ở phòng riêng rồi.’ Tôi nói: ‘Vâng, thế thì cha mẹ bạn sẽ cần càng nhiều tiền càng tốt. Và số tiền này cần được dành riêng cho việc đó.’ Rất nhiều con cái không hiểu chi phí tốn kém bao nhiêu.”
Manning cho biết một số con cái của khách hàng thấy khoản tiền cha mẹ họ để dành và nghĩ khoản tiền đó rất lớn, còn thừa để chi xài. Tuy nhiên, trong thực tế, khoản tiền đó để chi dùng trong lâu dài.
“Mọi người nghĩ khi nghỉ hưu, cha mẹ họ có nhiều nguồn thu nhập hơn bản thân họ,” Manning thuật lại. “Hầu hết các trường hợp, đó chỉ là tiền hưu của chính phủ và các khoản đầu tư và thế là hết. Không giống như khi họ đi làm và kiếm nhiều tiền hơn, nhưng chỉ là họ thấy khoản tiền lớn đó trong tài khoản ngân hàng vì cha mẹ không chi tiêu gì nhiều khi họ già đi, mọi thứ đã được thanh toán hết.”
27% CHA MẸ CHI TRẢ TIỀN NGHỈ DƯỠNG CHO CON CÁI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH
Manning kể lại con gái của một khách hàng gọi điện đến văn phòng giận dữ rằng cha cô còn rất ít tiền so với lúc mới nghỉ hưu. Sau khi xem xét sổ sách của ông ấy, Manning cho biết hóa ra người cha không đánh bạc, không tiêu xài phung phí cho bản thân — ông chỉ đang cho con cái tiền. Manning có thể cho gia đình thấy tính hào phóng của cha họ đã tác động đến tiền tiết kiệm của ông ra sao.
Anh kể: “Chúng tôi cho họ thấy, ở đây các bạn đã tác động trực tiếp lên A thế nào, tiền thừa kế sau này, nhưng B, bao nhiêu tiền cha bạn còn lại trong quỹ hưu trí. Một khi thấy điều đó, các người con cảm thấy hối lỗi vì họ nhận ra rằng việc hỏi xin tiền đã ảnh hưởng nặng nề đến phúc lợi của cha mẹ họ.”
Nhưng còn lợi ích khác nữa của việc họp toàn gia đình: Không chỉ con cái khách hàng hiểu rõ hơn lý do vì sao việc tiết kiệm của cha mẹ họ lại quan trọng, mà họ còn nhận ra nhu cầu về an toàn tài chính của chính họ trong tương lai — khiến họ trở thành khách hàng tiềm năng mới.
“Đôi khi con cái sẽ trở thành khách hàng vì họ nhận thấy chúng tôi thực sự coi quyền lợi tốt nhất của cha mẹ họ là trên hết,” Manning tâm sự. “Họ nhận thấy, chà, mấy anh chàng này thực sự quan tâm đến ba mẹ mình. Và họ nói: ‘Bạn biết không? Tôi cũng cần giải quyết vấn đề của mình. Tôi có thể đến bàn chuyện với anh không?’”
Vẫn không thể thuyết phục họ?
Nhiều khi tư vấn viên không thể thuyết phục khách hàng không cho tiền con cái đã trưởng thành và nhiều khi đó không phải gánh nặng tài chính to lớn đối với cha mẹ.
Theo Manning, trong những trường hợp đó, anh sẽ chạy số qua bảng hoạch định để xem cần bao nhiêu để duy trì mức thu nhập sắp tới, kể cả nhu cầu về thu nhập có thể trong tương lai. Anh sẽ xây dựng một tấm đệm dự phòng cho mục đích khẩn cấp và biến động thị trường.
“Nếu có thể vượt qua những thử nghiệm này, tôi cho họ biết tôi sẽ khuyên cần trích ra bao nhiêu từ khoản tiền còn lại,” Manning cho biết thêm rằng càng ít thì càng tốt.
Trong trường hợp phát hiện rằng khách hàng cần mọi thứ họ có để được an toàn thì anh sẽ cố chứng minh những tác động có thể có của việc cho tiền. Anh nói: “Sau đó tôi sẽ viết thư nói rõ rằng tôi không khuyên họ làm điều này vì nó có thể gây hậu quả xấu trong tương lai và tôi sẽ không chịu trách nhiệm về quyết định của họ.” Anh ký hai bản sao của chứng từ này — một bản để lưu trong hồ sơ khách hàng và một trong hồ sơ của anh — bằng chứng cho việc anh không tư vấn lẫn thông qua khoản rút tiền.
“Đôi khi việc đó khiến họ chấm dứt việc rút tiền hoặc họ rút ít hơn,” anh cho biết thêm. “Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, họ vẫn biết rằng tôi không thích ý tưởng đó và họ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.”
Chị Lee bổ sung thêm giải pháp khác cho các bậc cha mẹ năn nỉ cho con tiền. Theo chị: “Nếu họ muốn được coi là ngân hàng thì khách hàng của họ cũng phải hành xử như một ngân hàng.
Không có ngân hàng nào cho tiền miễn phí. Họ soạn ra thỏa thuận hoàn trả tiền sau một thời gian cụ thể cùng tiền lãi. Nếu họ không thanh toán khoản tiền đó, sẽ có hậu quả lớn về mặt tài chính.”
Cuối cùng, chị Wong nói thêm rằng nếu khách hàng chọn cho con cái đã trưởng thành tiền, chị sẽ rà soát tình hình tài chính của họ để chắc chắn kế hoạch nằm viện và chăm sóc ý tế vẫn được bảo đảm như trước.
LIÊN HỆ
Sunny Istar Lee sunnyistarlee@gmail.com
Travis Manning travis@evers-financial.co
Delia Wong deliawong@aia.com.sg