Log in to access resources reserved for MDRT members.
  • Học hỏi
  • >
  • Bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam: Xu thế tất yếu của phát triển
Bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam: Xu thế tất yếu của phát triển
Bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam: Xu thế tất yếu của phát triển

Thg9 13 2022

Bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam: Xu thế tất yếu của phát triển

Bảo hiểm hưu trí góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững và sẽ là sản phẩm cần thiết khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.

Chủ đề được bàn tới

Tâm lý người Việt Nam hầu hết đều muốn được hưởng an nhàn khi về hưu. Tuy nhiên, có một nghịch lý là chỉ hơn 28% người Việt được hỏi có kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống độc lập khi về già, theo nghiên cứu thực hiện bởi Viện Y - Xã hội học. Trong đó, tài chính là yếu tố khiến nhóm tuổi 30 - 44 cảm thấy thiếu tự tin nhất khi chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già. 

Dự báo dân số giai đoạn 2019 - 2069 của Tổng cục thống kê cho thấy năm 2036 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người 65 tuổi trở lên sẽ đạt 14,17% tổng dân số. Vì thế, việc đưa ra sản phẩm hưu trí trên thị trường lúc này là vô cùng cấp thiết và góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn. 

Quỹ hưu trí tự nguyện giúp hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa tầng 

Bản chất của bảo hiểm hưu trí là người tham gia bảo hiểm đóng góp vào quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm sẽ mang quỹ đi đầu tư để chi trả lợi nhuận cho người tham gia khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là hình thức đầu tư an toàn vì có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước.  

Khi tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, khách hàng không chỉ có quỹ hưu trí để tuổi già an nhàn mà còn chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh trong cuộc sống nhờ vào quyền lợi trợ cấp mai táng và quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn có trong bảo hiểm hưu trí. Đây là giải pháp tài chính toàn diện mang tính bảo vệ và tích lũy lâu dài. 

Theo các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), để có thể duy trì mức sống như trước khi nghỉ hưu, mỗi cá nhân cần có thu nhập tương đương 70 - 75% mức thu nhập bình quân trong 5 năm gần nhất trước nghỉ hưu. Chi trả hưu trí từ bảo hiểm xã hội không thể đạt được mức thu nhập này, do tỷ lệ ở Việt Nam là tối đa 45%. Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện cho phép các cá nhân tự nguyện tiết kiệm để đầu tư trong giai đoạn làm việc nhằm mục đích tích lũy tạo thu nhập cho giai đoạn hưu trí. 

Vì lẽ đó, sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện được xem là giải pháp chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội.  

Hoạch định tài chính khi về hưu: nhu cầu cần thiết đối với khách hàng trung niên. 

Theo các chuyên viên tư vấn bảo hiểm, hoạch định tài chính cho việc nghỉ hưu là vô cùng cần thiết đối với khách hàng, đặc biệt là khách hàng trung niên, vấn đề là làm sao khơi gợi đúng lúc và phù hợp với yêu cầu của khách hàng. 

Tâm lý chung của khách hàng sẽ là mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm cho con an tâm học hành, cha mẹ hưởng tuổi già, sau đó họ mới nghĩ đến quỹ hưu trí cho bản thân mình. Vì vậy, MDRT Nguyễn Khoa Nam từ Đồng Nai thường tư vấn những gói cần thiết theo mong muốn và nhu cầu của khách hàng trước, kế đến anh sẽ gợi mở cho khách hàng về gói bảo hiểm hưu trí để họ có thể hình dung và cân nhắc. 

Anh thường chọn thời điểm 5 năm sau khi khách hàng có được những hợp đồng bảo hiểm căn bản để đề cập đến quỹ hưu trí như một nhu cầu thiết yếu. Đối với Nam, 5 năm là thời điểm đủ để khách hàng nâng cấp sản phẩm bảo hiểm vì thu nhập của khách hàng giai đoạn này đã có sự cải thiện rõ rệt. 

Chị Nguyễn Thị Thu Dung, MDRT từ TP.HCM, nhận định người Việt Nam tuy lo xa nhưng họ thích những giải pháp mà họ cảm thấy kiểm soát được như gửi tiết kiệm, mua đất,... Người tư vấn viên chuyên nghiệp cần khéo léo gợi mở để khách hàng biết đến một giải pháp khác là hưu trí tự nguyện. 

Chị thường thuyết phục khách hàng rằng “Mua đất vẫn cứ mua, gửi tiết kiệm vẫn cứ gửi, nhưng anh/chị cần trích một số tiền nhỏ hàng năm để tạo cho mình 1 quỹ bảo hiểm hưu trí vì đây cũng là tài sản nhưng khi rủi ro nó giúp anh/chị tăng giá trị tài sản cho mình dưỡng già, giá trị để lại cho con cháu, dùng tiền nhỏ để tạo tiền lớn”. 

Chị cũng nhanh nhạy nhắm đến những đối tượng khách hàng buôn bán tự do không đóng bảo hiểm xã hội. Chị phân tích cho họ thấy viễn cảnh tương lai rằng “Công việc tự do của anh/chị không đóng bảo hiểm xã hội vì vậy không có lương hưu, tuy nhiên anh/chị có thể tự trích một phần thu nhập của mình tham gia bảo hiểm hưu trí để nhận được khoản lương hưu khi về già. Với bảo hiểm hưu trí, anh/chị mua bao nhiêu sẽ được trả bấy nhiêu dù anh/chị có bất trắc, bình an thì nhận về, không bình an vẫn được nhận để lại cho con cháu …” 

Ý thức người dân tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đạt khoảng 1,1 triệu người, gần gấp đôi so với năm 2019. Điều này cho thấy các chương trình tích luỹ tuổi già đã bắt đầu được quan tâm trong xã hội. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hoá dân số. Việc phát triển hệ thống hưu trí đa trụ cột, đặc biệt là các chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, là xu thế tất yếu, giúp củng cố sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội. 

 

Contact: MDRTeditorial@teamlewis.com