Log in to access resources reserved for MDRT members.
  • Học hỏi
  • >
  • Mạnh mẽ đối mặt để xoa dịu ác cảm bảo hiểm của người dân Việt Nam
Mạnh mẽ đối mặt để xoa dịu ác cảm bảo hiểm của người dân Việt Nam
Mạnh mẽ đối mặt để xoa dịu ác cảm bảo hiểm của người dân Việt Nam

Thg10 04 2022

Mạnh mẽ đối mặt để xoa dịu ác cảm bảo hiểm của người dân Việt Nam

linh hoạt, mạnh mẽ đối mặt với những ác cảm về bảo hiểm của người dân, giúp họ thay đổi nhận thức để có cuộc sống được bảo vệ, làm cầu nối giúp bảo hiểm tiếp cận gần hơn với khách hàng.

Chủ đề được bàn tới

Tham gia ngành bảo hiểm hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Thu Dung, thành viên MDRT 4 năm từ TP.HCM, đã trải qua mọi thăng trầm trong công việc cũng như có cơ hội tiếp xúc với đủ nhóm khách hàng khác nhau, bao gồm những khách hàng bài xích bảo hiểm.  

Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, chị Dung phải đến tận nhà thuyết phục từng khách hàng, dùng kiến thức và sự hiểu biết để phân tích rõ ràng cho khách hàng hiểu và có cái nhìn khách quan hơn về bảo hiểm.  

Chị nhớ mãi một trường hợp khi được mời về nhà khách hàng tư vấn, khi người vợ kêu người chồng cùng ngồi nghe thì nhận được câu trả lời: “Tôi đã nói với bà là tôi không có ưa bảo hiểm rồi, hồi sáng tôi đã đuổi một người về rồi mà giờ bà còn dẫn người khác về nữa là sao? Tôi nói rồi là không mua bảo hiểm, đợi nhận tiền của bảo hiểm biết chừng nào, tới chết hả, thà giờ bà cho tôi tiền, tôi mua vé số chiều sổ tui trúng tui có tiền liền, còn không bà đưa tôi tiền mua thêm con bò, tôi vắt sữa bán có tiền hàng ngày”. Ông còn châm biếm thêm “Nếu bà thương tôi, bà cho tôi tiền. Tôi đi uống bia cho sướng thân tui, ở đó bà kêu tôi đi mua bảo hiểm, chết mới có tiền”.  

Mặc dù nhủ thầm rằng sẽ khó mà thuyết phục được người chồng nhưng chị Dung vẫn nở nụ cười và nhẹ nhàng nói: “Dạ giờ em đã tới đây rồi, hãy cho phép em tư vấn cho anh/chị thử chương trình này, nghe xong anh không thích cũng không sao”. Người chồng ngồi ngoài hiên với vẻ mặt không hợp tác. Chị Dung bắt đầu say sưa nói về ý nghĩa thực sự của bảo hiểm, nói một cách chân tình, rõ ràng và rành mạch tất cả những gì chị hiểu và cảm nhận được về bảo hiểm, chị cũng nhanh nhẹn nắm bắt được khách hàng rất cưng cháu nội vì vậy chị nhấn mạnh “Anh/chị chỉ cần tiết kiệm 5,000-10,000 đồng mỗi ngày là có tài khoản để dành hưu, trong trường hợp lỡ mình không may đi gặp ông bà sớm hơn dự định thì cháu nội anh/chị sẽ có được một khoản xem như là quà ông bà nội để lại.” Khi thấy người chồng bắt đầu xuôi và có vẻ đang lắng nghe, chị đối đáp thêm với giọng điệu hài hước rằng “Số tiền này không ảnh hưởng đến chi tiêu hàng ngày của anh/chị, anh muốn mua vé số, mua bò sữa thì anh cứ mua, còn nếu anh có gan chị cho tiền anh dám đi uống bia thì anh cứ đi”. Nói đến đây thì ông chồng phì cười, đây được xem là trường hợp đổi bại thành thắng nhanh nhất của chị, người chồng này về sau đã giới thiệu cho chị thêm 30 khách hàng và rất quý chị.  

Hiện tại, trong thời đại công nghệ 4.0, chị chọn mạng xã hội để có thể tiếp cận cùng lúc với một lượng lớn khách hàng có định kiến không tốt về bảo hiểm, từ đó góp phần thay đổi nhận thức chung của họ. 

Chị tìm tòi học hỏi và thử làm clip đăng trên kênh tiktok của chị với nội dung “Mọi người không nên khuyên người khác đừng mua bảo hiểm, đó có thể là mang tội cả đời bởi lỡ không may người ta gặp rủi ro qua đời thì bạn sẽ trả lời sao với những người con của họ, bạn có thay họ nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ già của họ được hay không?” 

Clip này của chị nhận được hơn 800,000 lượt xem nhưng đa phần là phản bác nội dung chị đăng. Họ cho bảo hiểm là lừa đảo, khuyên đừng bao giờ mua, sẽ không lấy tiền lại được, đóng tiền vào đến lúc lấy chẳng được bao nhiêu… Chị chắt lọc và chọn lựa những bình luận chung nhất để trả lời. Với câu hỏi “Mua bảo hiểm liệu có lấy lại được tiền, có được bồi thường không?”, chị đáp lại rằng “Muốn biết thực hư, mình xin mời bạn đến văn phòng công ty để tận mắt chứng kiến những người được nhận bồi thường, ở đó bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất”. 

Với bình luận “Mua bảo hiểm sao covid không đền? Có ai nhận được tiền bảo hiểm chưa?”. Chị nhẹ nhàng phân tích tâm lý: “Phần lớn khách hàng nhận bồi thường bảo hiểm đều không khoe trên mạng bởi đó là mất mát của họ. Không ai mong muốn nhận tiền trên tính mạng của người thân cả, và không công ty bảo hiểm nào cho phép PR trên nỗi đau của khách hàng, đó là lý do vì sao các bạn ít thấy và nghĩ rằng khách hàng ít được bồi thường”.  

Với những đánh giá sai lệch “Bảo hiểm lừa đảo, mua dễ khó đòi”, chị mạnh mẽ đáp lời “Tiền các bạn mua bảo hiểm không mất đi đâu cả, nếu bình an các bạn lấy về cộng thêm chút lãi bảo toàn vốn, nếu bạn gặp rủi ro công ty đền gấp nhiều lần, vấn đề là các bạn cần phải theo hợp đồng thời gian dài, không thể vừa muốn tiền được sinh lời, rủi ro được bồi thường, lại muốn rút lúc nào cũng được.” 

Mặc dù phải đối mặt trực diện với nhiều lời bình luận trái chiều không thiện cảm nhưng chị Dung không buồn vì chị biết họ vẫn chưa hiểu đúng về bảo hiểm. Chị xem đây là cơ hội để điều chỉnh những suy nghĩ chưa đúng của mọi người. Chị đưa ra những thông tin rõ ràng giúp khách hàng nhận định đâu là hợp đồng bảo hiểm chuẩn mực, người mua nên làm gì, tầm quan trọng của việc khai báo trung thực, chọn người tư vấn có tâm và có tầm như thế nào, kiểm chứng thông tin của công ty ra sao... 

Thông qua những câu trả lời thẳng thắn và trung thực của chị, một số khách hàng đã nhìn nhận vấn đề cởi mở hơn và nhắn tin nhờ chị nói rõ hơn về bảo hiểm.  

Chị Dung cho biết sẽ tiếp tục tận dụng mạng xã hội để tiếp cận và xoa dịu những ác cảm về bảo hiểm của một bộ phận người dân Việt Nam, giúp họ thấm dần và thấu hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm để họ nhanh chóng quyết định một hợp đồng ngay khi còn có thể. 

“Sau hai thập kỷ phát triển, nhận thức của người Việt về bảo hiểm đã cải thiện nhiều nhưng những định kiến và sự “ác cảm” dành cho lĩnh vực này vẫn tồn tại. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có những thay đổi tích cực ở các bên từ người bán lẫn người mua. Khi khách hàng hiểu đủ quyền lợi – mua đúng theo nhu cầu thì những hiểu lầm sẽ dần được hóa giải.” Chị Dung nhận định. 

Contact: MDRTeditorial@teamlewis.com