
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,7% dân số. Bình quân người Việt bỏ ra 2 giờ 18 phút mỗi ngày để vào mạng xã hội. Các số liệu trên cho thấy mạng xã hội đang phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam và len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống.
Chị Đặng Thị Thuỳ Dung, MDRT từ TP.HCM, nhận định “Mạng xã hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống và đây là kênh rất tốt để quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân nếu chúng ta biết cách tương tác. Điều này rất cần thiết cho các tư vấn viên bảo hiểm, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì không chỉ giúp kết nối và mở rộng mối quan hệ mà còn giúp phát triển bản thân và tiếp cận thêm nhiều cơ hội mới”.
“Hiện mạng xã hội là nơi tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Tuy nhiên, cần phải định hình nội dung truyền tải nhằm giúp khách hàng biết tới bạn, ghi nhớ và có niềm tin vào bạn, từ đó xây dựng mối quan hệ lâu dài”, chị Dung nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để tạo được niềm tin và sự quan tâm của khách hàng trên mạng xã hội?
Mỗi tư vấn viên sẽ có cách riêng để giới thiệu về bản thân mình với cộng đồng mạng xã hội. Bản thân chị đã mượn dịp được trao tặng huy hiệu của công ty về thành tích MDRT để post hình ảnh nhận giải kèm status “Phấn đấu để đạt 10 năm thành viên MDRT trọn đời” nhằm khẳng định uy tín và sự tận tuỵ của mình trong ngành bảo hiểm đồng thời gợi sự tò mò của người xem. Nhiều người sẽ hỏi “MDRT là gì?” và đây là cơ hội để chị chia sẻ về những đóng góp và nỗ lực của bản thân được trân trọng và công nhận bằng danh hiệu MDRT, điều này được xem là yếu tố giúp gia tăng niềm tin của khách hàng. Hoặc trong thời gian dịch bệnh, công ty ra mắt sản phẩm chăm sóc sức khoẻ toàn cầu nhằm hỗ trợ chi phí điều trị khi khách hàng đi công tác nước ngoài chẳng may nhập viện, chị cũng sẽ post lên zalo hoặc facebook nhằm thông báo để khách hàng nắm rõ đồng thời cũng là gián tiếp giới thiệu sản phẩm đến những khách hàng tiềm năng.
Chị không nghĩ sẽ bán hàng trên mạng xã hội mà chỉ nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng theo hướng tích cực, giúp tương tác và gắn bó nhiều hơn với khách hàng. “Mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau và mình sẽ tư vấn khác nhau. Tư vấn viên bảo hiểm chính là chuyên viên hoạch định tài chính cho khách hàng, mình không thể đăng bài bán hàng trên mạng xã hội giống như bán một sản phẩm cụ thể nào đó, mình phải khơi gợi nhu cầu để khách hàng cảm thấy thật sự cần bảo hiểm và cần một chuyên viên tư vấn đáng tin cậy hỗ trợ một cách cụ thể, đó mới là điều quan trọng.”, chị khẳng định.
Khi được hỏi về cách tạo niềm tin trên mạng xã hội, chị đã thẳng thắn trả lời “Niềm tin không thể tạo trong một ngày một buổi mà cần thời gian với sự trải nghiệm của khách hàng và dịch vụ của tư vấn viên. Mình không thể đem hình ảnh lên mạng và tự nhận mình là tư vấn viên tốt và được khách hàng tin tưởng. Chỉ khi mình đăng bài và nhận được những commend khách quan từ khách hàng như “chị Dung tuyệt vời”, “may mắn được chị Dung tư vấn” mới là bằng chứng thuyết phục nhất để người khác đánh giá tốt hơn về mình, họ sẽ hiểu rõ hơn nếu được mình tư vấn thêm. Niềm tin của khách hàng không phải tự nhiên mình có, khi mình đến với khách hàng bằng cái tâm sẽ nhận được những điều tốt đẹp”.
Xây dựng nội dung trên mạng xã hội phải phù hợp với bản thân và đối tượng khách hàng.
Tham gia ngành bảo hiểm cách đây 20 năm khi mạng xã hội còn chưa phát triển, chị đã xây dựng thương hiệu cá nhân bằng chính bản thân và con người chị khi trực tiếp gặp gỡ mọi người, chị có năng lượng tích cực lan toả và chủ động tham gia vào những hoạt động văn hoá-xã hội và từ thiện, nhờ đó hiện tại chị đã có tiếng nói riêng và có những mối quan hệ thân thiết với những đối tượng khách hàng riêng là doanh nhân, nhà thiết kế, những nhà từ thiện, giảng viên… Vì vậy, nội dung chị xây dựng sẽ gần hơn với đối tượng khách hàng của chị. Chị chọn chia sẻ nhiều hơn về trách nhiệm xã hội bằng những trải nghiệm thực tế của chị, những chuyến đi từ thiện, những chương trình biểu diễn thời trang gây quỹ giúp đỡ người nghèo... Chị hy vọng sẽ kể được những câu chuyện với những điểm chạm khéo léo được lồng ghép vào nội dung.
“Mình có tuổi, có những trải nghiệm để lấn sâu vào nội tâm, mình có lợi thế hơn các bạn trẻ là các mối quan hệ tốt được xây dựng trong khoảng thời gian dài, nhưng cũng có mặt hạn chế là không thể nhạy công nghệ được như các bạn. Để khắc phục điều này, mình chọn cách nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia để có được những bài viết chỉnh chu về hình ảnh và phù hợp với ngữ cảnh, những video với góc quay ấn tượng tạo sự chú ý đối với người xem, giúp mình thành công và đi đúng hướng. Đối với chị, làm gì cũng cần đầu tư, từ khi bước vào nghề chị đã luôn dành 20% thu nhập để chăm sóc khách hàng và phát triển bản thân, sắp tới chị sẽ dành cho việc phát triển nội dung một cách bài bản, đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội.”, chị Dung chia sẻ.
“Mạng xã hội là kênh tiếp cận khách hàng tối ưu nhất hiện nay, tuy nhiên đó cũng chỉ là cầu nối giúp tư vấn viên và khách hàng tương tác hàng ngày, là cơ hội để mọi người biết và nhớ đến bạn, khi có nhu cầu họ sẽ nghĩ ngay đến bạn, quan trọng là bạn phải biết xây dựng nội dung phù hợp với bản thân mình nhất, nêu bật được hình ảnh chuyên nghiệp, tận tâm và trung thực”, chị Dung nhấn mạnh.
Contact: MDRTeditorial@teamlewis.com