Log in to access resources reserved for MDRT members.
Lập kế hoạch cho tuổi 100
Lập kế hoạch cho tuổi 100

Thg3 09 2023 / Round the Table Magazine

Lập kế hoạch cho tuổi 100

Priyadarshi tạo ra kế hoạch để người về hưu không sống lâu hơn số tiền họ có.

Chủ đề được bàn tới

Sống lâu hơn sẽ tốn kém.

Tư vấn viên đã cung cấp một dịch vụ đáng giá giúp người sắp về hưu gặt hái thành quả từ những năm tháng làm việc theo đuổi ước muốn về du lịch, sở thích và giải trí trong những năm tháng vàng son của họ. Nhưng dịch vụ đó cũng cần gồm cả hoạch định hậu hưu trí, vì những người 65 tuổi — chí ít là những người sống ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) — có thể sống thêm 19,9 năm nữa, theo OECD. Tuổi thọ dài như vậy đòi hỏi khách hàng phải tính toán chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai và hiểu rằng chiến lược đầu tư mà họ đã sử dụng để tích lũy tiền dự phòng cho tương lai không còn nhiều thời gian để bù lại mất mát.

Plabita Priyadarshi, thành viên MDRT 10 năm đến từ Mumbai, Ấn Độ cho biết: “Khả năng mọi người có thể sống đến 100 tuổi ngày càng tăng và điều này có những tác động quan trọng. Những nhu cầu bất ngờ đối với tiết kiệm hưu trí, bao gồm trả nợ đang vay, hỗ trợ tài chính cho con cái và chăm sóc dài hạn sẽ xuất hiện. Vì vậy, điều đó trở nên rất quan trọng khi hoạch định hưu trí cho những khách hàng này. Chúng tôi ghi nhớ khoản chi trong tương lai do sống thọ hơn.”

Niềm đam mê bảo đảm chất lượng cuộc sống cho khách hàng cao tuổi của Priyadarshi bắt nguồn từ khi cô còn là đứa trẻ và khao khát lớn nhanh, để cô trở nên độc lập hơn, gặp gỡ nhiều người mới, khám phá những địa điểm và những thứ bên ngoài ranh giới tuổi trẻ. Vì ngưỡng mộ những người lớn tuổi nên cô chơi với những đứa trẻ lớn tuổi hơn và tìm cách trò chuyện với người trưởng thành, người lớn tuổi để thu thập “dòng chảy kiến thức từ thế hệ đi trước.” Việc Priyadarshi tập trung vào bảo đảm an toàn cho người về hưu là để đền đáp lại cho những kiến thức thông thái cô tích lũy được từ những lão làng mà cô luôn trân trọng.

Các mối nguy hiểm cần lên kế hoạch trước

Lạm phát là một yếu tố cô chú ý trong chiến lược hoạch định cho người về hưu. Những hàng hóa và dịch vụ mà khách hàng cao tuổi phụ thuộc vào nhiều hơn so với người trẻ tuổi, như chăm sóc sức khỏe, thuốc men và hỗ trợ chăm sóc cá nhân, chịu nhiều tác động hơn do lạm phát, khiến sức mua và tiền tiết kiệm của họ giảm nhanh hơn. Do đó, kế hoạch tài chính của người về hưu không thể quá bảo thủ và cần bao gồm một loạt các khoản đầu tư để theo kịp lạm phát.

Thuế là một yếu tố khác mà Priyadarshi xem xét.

“Người về hưu nhận thức được rằng thuế có thể làm giảm đáng kể khoản tiết kiệm của họ, nhưng đồng thời, họ cũng không biết rõ làm thế nào để giảm gánh nặng thuế má. Hầu hết người về hưu không coi thuế là một khoản chi phí và họ không bao giờ lên kế hoạch cho điều đó,” cô diễn giải. Vì vậy, khi lập kế hoạch hưu trí, điều quan trọng là phải xem xét môi trường thuế hiện tại và tương lai. Cần có thêm thu nhập để duy trì lối sống của người về hưu. Nhưng thu nhập tăng lên có nghĩa bị đánh thuế cao hơn, vì vậy tôi muốn đưa ra một giải pháp hoàn toàn không bị đánh thuế.”

Cuối cùng, tuổi thọ có thể đòi hỏi con cái trưởng thành phải hỗ trợ cha mẹ già trong quãng thời gian họ sống thọ hơn. Chiến lược hậu nghỉ hưu của cô thúc đẩy các kế hoạch bảo toàn vốn và được thiết kế linh hoạt để chịu được một phần gánh nặng dịch vụ chăm sóc dài hạn khi vấn đề sức khỏe phát sinh.

Priyadarshi nhận định: “Tôi luôn cho rằng ý tưởng hoạch định hậu nghỉ hưu một cách hợp lý là cách tốt nhất để thực hiện, thay vì cho phép cảm xúc đi ngược lại lợi ích của chính bạn. “Mọi người cần hết sức có lý trí khi hoạch định quỹ hưu trí của mình do họ sống thọ hơn.”

Đầu tư cho người nghỉ hưu

Triết lý của cô trong đầu tư hậu nghỉ hưu và giúp khách hàng “duy trì vẻ hào nhoáng của thời hoàng kim” bao gồm ba yếu tố sau:

  1. Vì dòng thu nhập từ công việc đã hết, nên khuyến nghị đầu tiên của cô là lập kế hoạch thu nhập hàng tháng mà họ sẽ cần mỗi tháng để duy trì chất lượng cuộc sống họ từng có trước khi nghỉ hưu.
  2. Thực hiện kế hoạch tạo ra của cải ngắn hạn, như 5 năm, trong đó khách hàng có cơ hội phát triển một kế hoạch có thể đáp ứng nhu cầu của họ suốt đời. Sau khi khách hàng tạo ra khoản đầu tư cho khoảng thời gian 5 năm, cô gợi ý họ nên mua niên kim vì khi họ càng già, thì lợi tức niên kim sẽ càng tốt hơn.
  3. Đầu tư chủ yếu vào các kế hoạch miễn thuế để có lợi suất cao hơn, tốt hơn và lợi nhuận vượt xa lạm phát.

Priyadarshi chia sẻ: “Đối với mỗi chúng tôi, phân khúc người về hưu cụ thể này là một cơ hội tuyệt vời để mở rộng hoạt động kinh doanh, và việc giúp họ lên kế hoạch cho tiền bạc cũng là một mục đích cao cả. Điều này giúp người về hưu cũng góp phần vào phát triển nền kinh tế và hỗ trợ họ sống an nhàn trước những thay đổi và áp lực về kinh tế.”

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Plabita Priyadarshi plabis2003@yahoo.co.in