Log in to access resources reserved for MDRT members.
  • Học hỏi
  • >
  • Hỏi & Đáp: Tony Zhou lấp lỗ hổng trong kiến thức về bảo hiểm Sharia
Hỏi & Đáp: Tony Zhou lấp lỗ hổng trong kiến thức về bảo hiểm Sharia
Hỏi & Đáp: Tony Zhou lấp lỗ hổng trong kiến thức về bảo hiểm Sharia

Thg3 01 2024 / Round the Table Magazine

Hỏi & Đáp: Tony Zhou lấp lỗ hổng trong kiến thức về bảo hiểm Sharia

Tư vấn viên mang trên mình sứ mệnh hướng dẫn khách hàng và khách hàng tiềm năng chưa biết về bảo hiểm Sharia.

Chủ đề được bàn tới

Tony Zhou đang thực hiện sứ mệnh truyền đạt thông tin cho những khách hàng tiềm năng và khách hàng còn xa lạ với bảo hiểm Sharia, ngay cả ở một quốc gia tự hào về dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Sự khác biệt giữa bảo hiểm Sharia và bảo hiểm nói chung là gì?

Bảo hiểm thông thường sử dụng khái niệm chuyển rủi ro từ người được bảo hiểm sang công ty bảo hiểm. Bảo hiểm Sharia dựa trên giới luật Hồi giáo và sử dụng khái niệm hỗ trợ và hợp tác tương hỗ giữa những người tham gia thông qua việc thu quỹ tabarru. Tabarru có nguồn gốc từ một danh từ tiếng Ả Rập, nghĩa là sự quyên góp, món quà, sự đóng góp. Khi một người trao tabarru dưới dạng tài sản, tiền bạc hoặc lợi ích cho người khác nghĩa là làm việc đó với chủ đích làm một việc tốt mà không mong đợi một sự kính trọng hoặc đền đáp nào bây giờ hoặc trong tương lai. Người tham gia sẽ quyên góp tabarru thành một takaful, hay bảo hiểm Sharia, một quỹ được sử dụng không phải để tạo ra lợi nhuận mà để giúp đỡ những người tham gia khác trong những thời điểm bất hạnh như bệnh tật, khuyết tật, tai nạn hoặc tử vong. Takaful là một giải pháp tuân thủ luật Sharia thay thế cho bảo hiểm thông thường vì nó được cấu trúc theo các nguyên tắc Hồi giáo về sự thuần khiết, tính nhất định và tính tương hỗ.

Anh sử dụng chiến lược và kỹ thuật truyền thông nào khi giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm Sharia?

Tôi nói với khách hàng rằng với bảo hiểm Sharia, ngoài việc được bảo vệ, họ còn làm từ thiện, như vậy họ đang làm việc tốt, hữu ích để giúp đỡ người khác. Khái niệm giúp đỡ người khác phù hợp với các giá trị và văn hóa của người dân Indonesia, giúp họ dễ dàng chấp nhận và hiểu về bảo hiểm Sharia hơn. Một câu hỏi tôi đặt ra là liệu chúng ta có xem xét sắc tộc, tôn giáo và chủng tộc trước khi quyết định giúp đỡ người khác hay không. Tất nhiên là không. Bảo hiểm Sharia là sự mở rộng của khái niệm phổ quát về sự giúp đỡ lẫn nhau. Bảo hiểm Sharia dành cho tất cả mọi người. Đó là việc quan tâm đến người khác, cho cả người theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi, bất kể chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Chúng ta có thể làm điều tốt cho người khác thông qua bảo hiểm Sharia.

Anh có những gợi ý nào khác dành cho những tư vấn viên muốn giới thiệu bảo hiểm Sharia cho khách hàng tiềm năng không?

Mặc dù Indonesia là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới nhưng ở đây vẫn còn rất nhiều người không có bảo hiểm Sharia, nên cơ hội kinh doanh vẫn rất lớn. Lời khuyên của tôi là hãy tập trung hơn vào khía cạnh bảo vệ của bảo hiểm. Không cần phải nói quá nhiều về những câu trong Kinh Qur’an vì bảo hiểm Sharia ở Indonesia được giám sát bởi OJK, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia và Hội đồng Giám sát Sharia, nơi đã thông qua các khuyến nghị từ những học giả Hồi giáo trong Hội đồng Ulema Indonesia.

Tony Zhou là thành viên MDRT bảy năm đến từ Jakarta, Indonesia. Liên hệ với anh tại tonyzhouprudential@gmail.com.