Log in to access resources reserved for MDRT members.
  • Học hỏi
  • >
  • 6 tư duy giúp nhân viên của bạn khởi động lại

Thg2 22 2022

READ 00:08:04

6 tư duy giúp nhân viên của bạn khởi động lại

Tìm hiểu lợi ích của siêu cá nhân hóa và làm sao thay đổi tư duy có thể tác động lên đội ngũ và thái độ của bạn.

By Jason V. Barger

Hầu hết chủ doanh nghiệp vẫn đang hình dung cách hỗ trợ nhân viên và gắn kết họ trong các buổi họp hỗn hợp lẫn trực tiếp. Với tất cả những gì đang diễn ra, mọi người cũng trông đợi tối đa hóa trải nghiệm, sản phẩm hoặc dịch vụ họ đang cung cấp ra thị trường. Đây là nhiệm vụ nặng nề.

Dưới đây là 6 tư duy giúp khởi động lại nhân viên:

1. Tính rõ ràng — Sứ mệnh của bạn có rõ ràng không? Tầm nhìn của bạn có rõ ràng không? Chiến lược của bạn về các ưu tiên tiếp theo có rõ ràng không? Hãy tranh thủ thời điểm này để khởi động lại và bảo đảm tất cả đều rõ ràng. Đội ngũ của bạn có thể không có mọi câu trả lời, nhưng họ sẽ có năng lượng và phương hướng rõ ràng về cách tiến hành bước tiếp theo.

2. Tính hòa nhập — Các nhà lãnh đạo trên thế giới đóng vai trò to lớn trong việc mở rộng khối đoàn kết gồm thêm nhiều tầng lớp xuất thân, ý tưởng, góc nhìn và trải nghiệm đa dạng. Doanh nghiệp và tổ chức sẽ dẫn dắt con đường xã hội tiến lên bằng cách mô hình hóa đối thoại dân sự, tôn trọng và giáo dục mọi người về sức mạnh của tính đa dạng, công bằng và hòa nhập. Đội ngũ hòa nhập và niềm nở mang lại sức sống và năng lượng đến mọi người.

3. Tính linh hoạt — Khả năng thích ứng cao hơn là điểm mấu chốt trong một thế giới thay đổi không ngừng. Nhà lãnh đạo phải thỉnh thoảng thực hành việc tái khởi động nhằm giúp họ suy nghĩ tìm ra cách thức mới để xử lý công việc và lòng dũng cảm để thích ứng với các cơ hội mới xuất hiện. Nếu nhà lãnh đạo quay lại với tư duy “đây là cách chúng ta vẫn luôn làm,” thì nhân viên sẽ bỏ đi.

4. Lòng dũng cảm — Sự quyết tâm và kiên định là điều quan trọng giúp mọi người vượt qua mọi chướng ngại, thách thức, tiêu cực, đổ lỗi và chia rẽ. Nhà lãnh đạo giúp nhân viên của họ tái khởi động để tập trung vào hiện tại và các hành động cần thiết để bước tiếp. Sự cứng rắn không phải là mạnh mẽ hơn người khác về mặt thể chất, mà đó là có khả năng bị tổn thương cùng nhân viên của bạn và vẫn có quyết tâm cùng nhau tìm ra giải pháp.

5. Nghỉ ngơi — Năm ngoái, dân Mỹ đã bỏ phí 768 triệu ngày nghỉ không sử dụng. Chúng ta đã quên các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng nghỉ ngơi là điều cần thiết để đạt hiệu suất cao. Khi cho phép cơ thể, đầu óc và tâm trí nghỉ ngơi, chúng ta sẽ hô hấp tốt hơn và giỏi hơn trong mọi việc.

6. Tinh thần trách nhiệm — Tinh thần trách nhiệm cùng hành động là tư duy và không khí mà nhà lãnh đạo giỏi nhất và nền văn hóa tốt nhất trên thế giới đang hít thở. Họ kết nối những điều họ nói sẽ làm với tinh thần trách nhiệm và hành động tích cực. Trong một thế giới nơi mọi người dễ dàng tám chuyện, đổ lỗi và phê phán những gì không hiệu quả, nhà lãnh đạo giỏi nhất tái khởi động bản thân và nhân viên của họ, rồi chuyển sự tập trung từ đổ lỗi sang giải pháp.

Hành trình để xây dựng hiệu suất cao và gắn kết nhân viên là không bao giờ ngừng. Nhà lãnh đạo giỏi nhất và tổ chức tốt nhất cam kết tái khởi động cách họ tuyển dụng, đón chào nhân viên, đánh giá hiệu suất, bồi dưỡng lứa lãnh đạo tương lai và công nhận sự xuất sắc. Nhà lãnh đạo giỏi nhất đầu tư vào đội ngũ của mình.

Jason Barger là nhà sáng lập của hãng Step Back Leadership Consulting. Tìm hiểu thêm tại jasonvbarger.com.

Chốt nhiều hơn đối thủ cạnh tranh

By Nicole Parmar

Thế hệ bùng nổ dân số hiện đang chuyển giao hàng ngàn tỷ đô la sang thế hệ Y và Z. Những khách hàng có giá trị ròng cao mới này kỳ vọng và dựa vào các công cụ truyền thông số để tìm kiếm thông tin, kể cả thông tin về quản lý tài sản. Làm sao nổi bật giữa đám đông để mọi người nghe và thấy bạn?

Siêu cá nhân hóa là thông tin tùy chỉnh, đặc biệt đối với khách hàng của bạn. Nó giúp bạn dự đoán trước nhu cầu của khách hàng dựa trên hành vi trong quá khứ hoặc những khách hàng giống họ, thu nhận phản hồi theo thời gian thực và tự động hóa việc marketing và giao tiếp với khách hàng.

Dưới đây là một vài bước dễ dàng để bắt đầu hành trình siêu cá nhân hóa.

Bước 1: Thiết lập mục tiêu và chỉ số hiệu suất chính. Nếu tiến hành đánh giá tổng quan tình hình công ty, bạn sẽ nhận ra mình làm tốt điều gì và làm truyền thông tốt với đối tượng nào. Hãy xem xét những lĩnh vực bạn muốn cải thiện bằng cách khảo sát khách hàng và đội ngũ nhân viên. Một khi đã có thông tin và thông số tham chiếu, hãy đặt mục tiêu hàng tháng và quý về khách hàng mới hoặc chốt hợp đồng.

Bước 2: Sử dụng dữ liệu để xây dựng chiến lược. Nghĩ về cách tự động hóa mọi thứ trong doanh nghiệp, bao gồm tất cả thiệp gửi cho khách hàng, lập báo cáo, tài liệu huấn luyện và công tác kế toán.

Bước 3: Triển khai công cụ và công nghệ. Những công cụ này thường được kết hợp lại trong một gói và gồm hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), nền tảng marketing qua email và hệ thống chiến lược bán hàng. Ví dụ như Salesforce, Zoho, Wealthbox và HubSpot.

Bước 4: Dữ liệu và phân khúc. Nhóm khách hàng của bạn theo mối quan tâm, độ tuổi hoặc số năm cho đến khi về hưu. Tập trung vào nhu cầu của các khách hàng cụ thể này, cũng như vấn đề và thách thức họ gặp phải. Từ đó, bạn có thể gửi thông báo và tin nhắn văn bản và bắt đầu chiến dịch marketing.

Bước 5: Sử dụng phân tích dự báo. Phân tích dự báo trong quản lý tài sản có thể bao gồm phân tích cấp độ dịch vụ tối ưu, phân bổ danh mục, cung cấp tư vấn, bán chéo, bán lên, tổ chức lại các mối quan hệ với khách hàng và tối ưu hóa hoạt động marketing và bán hàng.

Để việc này hiệu quả, bạn cần dành thời gian xây dựng một khung làm việc cho tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Khung này không chỉ tối ưu và hiệu quả mà còn phải đủ linh hoạt cho phép thay đổi khi có dữ liệu mới. Thường xuyên đánh giá và tinh chỉnh quy trình.

Nicole Parmar, đến từ công ty JNJ Business Solutions Inc., có trụ sở tại Vancouver, British Columbia, Canada, là nhà tư vấn marketing áp dụng phương pháp tiếp cận dữ liệu trước tiên.

Tại sao bạn không nên nhắm chốt khách hàng tiềm năng

By Ali Hassan Arayssi Sr., B.S.

Một trong những câu hỏi đầu tiên trưởng phòng đặt ra mỗi khi chúng ta kết thúc cuộc gặp với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng là gì? Đó là: “Bạn đã chốt chưa?”

Dầu gì tôi bắt đầu tự hỏi tại sao lại gọi đó là chốt. Từ “chốt” có nghĩa là kết thúc hay kết luận điều gì đó. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên ngồi xuống với khách hàng tiềm năng, chúng ta có đang tìm cách chốt không? Tôi không tin là vậy. Thay vào đó, chúng ta nhắm đến gợi mở.

Mục tiêu các buổi gặp của chúng ta là mở ra cánh cửa cho mối quan hệ lâu dài với khách hàng tiềm năng, mối quan hệ dựa trên việc hiểu rõ lẫn nhau, nắm được mục tiêu và giấc mơ và xây dựng lòng tin. Đó là mục đích của từng cuộc gặp chúng ta thực hiện, dù kết quả ngay sau đó là gì. Trong tương lai, cuộc gặp sẽ mở cánh cửa cho mối quan hệ kinh doanh, chốt nhiều hợp đồng, nhiều giới thiệu hoặc có thể là tình bạn.

Nói rằng chúng ta muốn chốt là đang dùng từ ngữ tiêu cực. Từ ngữ và tư duy tiêu cực gây ra căng thẳng và nỗi sợ, nó khiến chúng ta mất hết logic và lý lẽ. Tại sao đầu óc tôi phải gắn với một từ tiêu cực vậy chứ? Tại sao tôi phải lo nghĩ về buổi gặp trước khi đến đó?

Bạn nghĩ sao về tác động của câu nói: “Bạn đã mở hợp đồng chưa?” từ trưởng phòng hoặc đối tác?

Bản thân tôi, tôi đang chuyển ngôn từ của mình từ tiêu cực sang tích cực, do vậy tôi tập trung vào việc mở một mối quan hệ mới với người đang ngồi trước mặt.

Ali Arayssi Sr., đến từ Beirut, Lebanon, là thành viên MDRT 3 năm. Liên hệ với anh tại ali.arayssi@dsf.bankers-assurance.com.