Log in to access resources reserved for MDRT members.
  • Học hỏi
  • >
  • Dùng hình ảnh toà nhà chung cư để giải thích câu chuyện nghỉ hưu và đầu tư cho khách hàng
Dùng hình ảnh toà nhà chung cư để giải thích câu chuyện nghỉ hưu và đầu tư cho khách hàng
Dùng hình ảnh toà nhà chung cư để giải thích câu chuyện nghỉ hưu và đầu tư cho khách hàng

Thg1 03 2023 / Round the Table Magazine

Dùng hình ảnh toà nhà chung cư để giải thích câu chuyện nghỉ hưu và đầu tư cho khách hàng

Giải thích với khách hàng việc có một danh mục đầu tư cho nghỉ hưu giống như sở hữu một tòa chung cư.

Chủ đề được bàn tới

Một câu hỏi tôi được các khách hàng sắp nghỉ hưu đặt ra nhiều nhất là: “Làm sao để tôi quản lý khoản đầu tư của mình khi nghỉ hưu?” Dù tôi có thể cung cấp mọi thông tin kỹ thuật và cả những suy nghĩ đằng sau đó, thì việc này vẫn có thể không giúp khách hàng hiểu ra. Các câu chuyện và phép ẩn dụ có tác dụng hơn rất nhiều trong việc giải thích các khái niệm. Tuy nhiên, trong nhiều năm tôi vẫn nặn óc để tìm ra một phép ẩn dụ hay cho khách hàng. Rốt cuộc tôi đã tìm thấy nguồn cảm hứng khi một toà nhà chung cư được xây dựng đối diện văn phòng cũ của chúng tôi.

Xây dựng các toà nhà và danh mục

Danh mục đầu tư nghỉ hưu giống như sở hữu một tòa chung cư. Bạn bỏ cả sự nghiệp xây dựng một tòa nhà, từng tầng một. Mỗi năm, bạn tiết kiệm tiền, tổng số tiền đầu tư tăng lên và bạn xây được một toà nhà lớn với nhiều tầng và căn hộ. Khi nghỉ hưu, bạn ngừng xây dựng và bắt đầu lấp đầy toà nhà với người thuê, vì thế trọng tâm chuyển từ phát triển sang thu nhập và đó là khi bạn nhận được tiền thuê nhà.

Quản lý toà nhà

Trong trường hợp này, chúng ta cẩn thận lựa chọn một vài người quản lý tòa nhà để quản lý toà nhà và thu tiền thuê. Nhưng khác với các toà nhà chung cư thực tế, hàng quý người quản lý tòa nhà phải rà soát tình hình tài chính của người thuê để bảo đảm tiền thuê nhà tiếp tục được trả mà không phải lo nghĩ gì cả. Nếu người quản lý thấy lo lắng, họ có thể nhanh chóng loại bỏ người thuê đó và thay bằng người thuê khác tốt hơn.

Bảo hiểm chi phí vận hành

Trong dài hạn, chúng ta tin rằng giá trị của toà nhà và mảnh đất sẽ tăng giá. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết có thể cần vốn cho các khoản sửa chữa lớn và nâng cấp. Đó là lúc việc hoạch định tích hợp với bảo hiểm. Lớp đầu tư này — thường đi kèm chứng nhận lãi xuất được bảo đảm — bảo đảm rằng chúng ta luôn có tiền mặt cho những khoản chi lớn này bất kỳ khi nào chúng phát sinh, dù trạng thái của toà nhà hoặc người thuê nhà ra sao.

Thường thì, chúng ta muốn bảo hiểm cung cấp đủ vốn để trang trải ba đến năm năm thu nhập/tiền thuê nhà. Chúng ta hy vọng không bao giờ cần đến khoản vốn này, nhưng một sự kiện như cuộc Đại Suy thoái năm 2008 có thể lại xảy ra. Nếu như vậy, chúng ta thật sự không muốn thế chấp toà nhà hoặc bị buộc phải bán căn hộ ở giá thấp. Lớp bảo vệ này cho phép chúng ta giữ nguyên toà nhà và duy trì kế hoạch tài chính tiếp tục tồn tại trong nhiều năm.

Bán căn hộ

Tôi hơi phóng đại phép ẩn dụ, nhưng một lợi ích mà một danh mục đầu tư mang lại cho chúng ta, trong khi toà nhà không làm được, là khả năng bán một hoặc hai căn hộ vào thời điểm chúng ta muốn. Việc này cũng bình thường và không phải là vấn đề đặc biệt khi chọn thời điểm phân tầng và bán một hoặc hai căn hộ. Nếu toà nhà/căn hộ tăng giá trị, và lạm phát khiến chi phí gia tăng, chúng ta thường cần khoản vốn bổ sung này để vượt qua những năm sau đó. Vâng, chúng ta sẽ có ít căn hộ để tạo thu nhập hơn, nhưng nếu được hoạch định thỏa đáng, chúng ta có thể bán một phần toà nhà nếu cần mà vẫn không gặp rủi ro phải bán hết mọi thứ trước khi qua đời.

Lý tưởng nhất, chúng ta không bao giờ ở vào trường hợp phải bán các căn hộ trong toà nhà. Tuy nhiên, nếu lúc ban đầu toà nhà không đủ lớn, thì đây có thể là quy trình cần thiết mà không làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả hoá đơn trong suốt thời gian nghỉ hưu.

Về mặt tâm lý, nếu trong đầu khách hàng luôn nghĩ đến phép ẩn dụ này nó sẽ có tác động rất lớn khi cân nhắc danh mục đầu tư của họ. Chúng ta biết rằng giá trị của cả danh mục đầu tư và bất động sản sẽ có lúc lên và xuống. Thế nhưng tại sao trong khi chủ toà nhà có vẻ không quan tâm lắm khi giá bất động sản xuống thì nhiều nhà đầu tư lại rất lo ngại khi giá trị giảm.

Tôi hy vọng bạn thấy phép ẩn dụ này có tác dụng. Đừng ngại thử cách này với khách hàng của bạn. 

Bryson Milley là thành viên MDRT 21 năm đến từ Vancouver, British Columbia, Canada. Liên hệ với ông tại bmilley@rgfwealth.com. 

Các quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết là của Công ty RGF Integrated Wealth Management. Công ty không cam đoan bảo đảm tính đầy đủ hoặc chính xác của chúng.